Tại Bến xe Miền Tây, nhiều đơn vị vận tải hành khách cũng đã đăng ký với phòng vé để giảm giá một số tuyến như: Công ty Phương Thảo giảm giá từ 135.000đ xuống còn 130.000đ/vé tuyến TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, Công ty Tài Lợi giảm từ 70.000đ xuống còn 65.000đ/vé tuyến TP Hồ Chí Minh - Hồng Ngự, HTX xe khách liên tỉnh Miền Tây giảm từ 98.000đ xuống còn 90.000đ/vé tuyến TP Hồ Chí Minh - Cà Mau…
Nhìn chung, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng hóa cho rằng sẽ giảm khoảng 5-10% so với trước đây. Còn theo ý kiến phần lớn các hãng taxi thì, tính từ đầu tháng 10 đến giờ thì đây là lần thứ 5 liên tiếp, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh với tổng mức giảm 3.000đ/lít.
Cứ mỗi lần giá xăng điều chỉnh thì dịch vụ taxi cũng phải điều chỉnh theo. Nhưng mức điều chỉnh thế nào thì còn phải tính toán lại bởi mỗi lần điều chỉnh giảm giá theo kiểu nhỏ giọt thế này rất phiền phức và ảnh hưởng đến việc tính cước taxi…
Theo ghi nhận của chúng tôi, không phải đợi đến đợt giảm giá xăng dầu lần này, các đơn vị vận tải mới hạ giá cước mà việc giảm giá được các đơn vị vận tải liên tục điều chỉnh để phù hợp trong quá trình cạnh tranh.
Chẳng hạn, trước đó ngày 6/11, tại Bến xe Miền Đông đã có 5 doanh nghiệp thông báo giảm giá vé từ 10.000đ - 20.000đ/vé tuyến TP Hồ Chí Minh đi Tây Nguyên và một số tuyến miền Trung; tuyến đường sắt từ tháng 9 cũng triển khai giảm giá vé 10-30% đến tháng 12/2008 cho khách mua vé trước 30-60 ngày. Từ ngày 11 đến 23/1/2009, buổi chiều (tàu số lẻ đi từ Bắc vào Nam) tàu cố định giảm 10% giá vé, tàu bổ sung giảm 50% giá vé. Vé khứ hồi tàu TN 17, 18 giảm 50% giá vé. Từ ngày 29/1 đến 16/2009, buổi chiều (tàu số chẵn từ Nam ra Bắc), tàu cố định giảm 10% giá vé, tàu thêm giảm 30% giá vé… Vietnam Airlines từ ngày 1/11 cũng đã bỏ khoản phụ thu xăng dầu khoảng 100.000đ/vé…
Như vậy, sau khi giá xăng dầu giảm, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã và đang giảm giá cước vận tải. Hầu hết khách hàng đều mong muốn giá cước vận tải phải luôn bám sát giá cả thị trường, đặc biệt là sau khi giảm giá xăng dầu. Nhưng nếu giá xăng dầu vẫn cứ điều chỉnh giảm theo kiểu nhỏ giọt như hiện nay sẽ rất khó cho việc giảm giá cước vận tải. Đặc biệt là các hãng taxi.
Hà Nội: Vì sao giá cước vận tải chưa giảm?
Ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc lên xuống của giá xăng dầu là ngành vận tải hành khách, taxi cho đến thời điểm này vẫn mới đang giai đoạn… rục rịch giảm giá mặc dù giá xăng đã giảm hơn 3 ngày nay. Điều nghịch lý là khi giá xăng tăng, cũng chẳng cần chờ họp bàn, ngay lập tức, các tài xế taxi đã vội vàng nâng giá cước. Điều này cũng dễ dàng được khách hàng chấp nhận chia se với các hãng taxi. Thế nhưng đến khi xăng liên tục giảm, và lần này là giảm sâu nhất, thì việc giảm giá cước taxi vẫn là "đợi họp bàn".
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội khi được hỏi đã trả lời rất hùng hồn rằng giá cước taxi chắc chắn sẽ giảm và sẽ giảm ngay, giảm sớm nhất có thể trong… vài ngày tới, khi có cuộc họp bàn thống nhất. "Vài ngày tới" mà ông Bình nói đây là vào ngày 12/11, tức là sau 4 ngày xăng giảm giá, thì mới có cuộc họp, còn từ cuộc họp đó, mức cước mới được đưa ra và "lộ trình" thực hiện bao lâu… thì cũng phải đợi cuộc họp xong mới biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi về mức giá giảm hợp lý mà Hiệp hội taxi Hà Nội có thể đưa ra, ông Bình cho rằng, giá cước taxi khó có thể trở về mức như trước ngày 21/7 (giá xăng ở mức 14.500 đồng/lít) vì "giá cước taxi được tính toán trên cơ sở giá xăng dầu, lãi suất ngân hàng và các chi phí đầu vào khác: Bởi vậy, chỉ một mình giá xăng dầu giảm, thì không thể ép giá taxi phải giảm sâu tương ứng thời điểm giá xăng trước đó, khi mà những chi phí và lãi suất vẫn cao hơn.
Cũng tương tự như xe taxi, giá cược vận tải hành khách của một số công ty như Hoàng Long, Mai Linh cũng đang mới ở giai đoạn "rục rịch" chuẩn bị giảm giá và cho biết đợt này do giá xăng giảm mạnh nên giá cước cũng sẽ giảm mạnh hơn so với những lần trước.
Một đại diện của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định rằng việc giảm giá cước sau đợt giảm giá xăng dầu lần này là tất yếu, song các DN cũng cần phải có thời gian để cân đối lại các chi phí từ đó đưa ra mức giảm hợp lý.
Vị đại diện này cũng cho rằng: Trong cuộc chạy đua về thị phần, giảm giá cước là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định khả năng cạnh tranh của các DN nên chắc chắn là các DN sẽ thực hiện. Tuy nhiên, vì "buôn có bạn, bán có phường" nên các DN này sẽ nhìn nhau để cùng giảm hợp lý, chứ sẽ không có sự chênh lệch lớn giữa giá cước của những DN vận tải này.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tính toán: Nếu giá xăng giảm 31% thì cước vận tải xăng phải giảm 16%, còn giá dầu giảm 19% thì cước dầu cũng phải giảm 9%. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn phải tính các yếu tố như vốn vay của ngân hàng, nên mỗi DN sẽ căn cứ theo tình hình cụ thể của mình để điều chỉnh mức phù hợp