Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay tăng từ 3.398 - 4.853 đồng/lít/kg, tương đương 27,7 - 34,13%, trong khi giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở đã tăng từ 35,6 - 51%.
Quỹ Bình ổn giá giảm dần do sử dụng liên tục ở mức cao
Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục có xu hướng tăng đã tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Một số nguyên nhân khiến giá xăng dầu thế giới tăng có thể kể đến như: Dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức thấp làm giảm nguồn cung. Nhu cầu vận tải và tiêu dùng tăng trở lại khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát. Lo ngại về thiếu hụt về nguồn cung xăng dầu so với nhu cầu gia tang. Các quốc gia OPEC+ không đạt được thỏa thuận nới lỏng nguồn cung dầu thô cho thị trường; đàm phán giữa Mỹ và Iran còn nhiều trở ngại… Những nguyên nhân trên đã đẩy giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tiếp tục tăng.
Giá một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) quý III/2021 (kỳ điều hành ngày 12/7/2021) so với quý I/2021 (kỳ điều hành ngày 11/1/2021) biến động tăng từ 35,6% đến 51%. Cụ thể: xăng RON92 đạt 83,9 USD/thùng, tăng 50,2%; xăng RON95 đạt 86,14 USD/thùng, tăng 51%; dầu hỏa đạt 77,66 USD/thùng, tăng 39%; dầu diesel đạt 78,60 USD/thùng, tăng 39,4%; dầu mazut đạt 423,90 USD/tấn, tăng 35,7%.
Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, kết hợp với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Từ đầu năm đến 2021 đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 14 văn bản điều hành xăng dầu, trong đó giá xăng có 10 lần tăng, 2 lần giảm và 2 lần giữ ổn định; giá dầu có số lần điều chỉnh tăng ít hơn (7 - 8 lần tùy loại).
Quỹ Bình ổn giá đã được chi sử dụng liên tục ở mức cao để bình ổn giá, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp; hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hạn chế mức tăng giá trong nước trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới.
Do việc sử dụng linh hoạt công cụ quỹ nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng từ 3.398 - 4.853 đồng/lít/kg, tương đương 27,7 - 34,13%. Trong khi giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở đã tăng từ 35,6 - 51%.
Số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu tháng 5/2021 là 2.289 tỷ đồng. Theo thông báo mới đây của Bộ Tài chính, số dư quỹ đến hết quý II/2021 là 1.122 tỷ đồng. Dự kiến số dư quỹ đến trước ngày 12/7/2021 còn ước khoảng 850 tỷ đồng.
Giá xăng dầu cuối năm khó đột biến
Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Đặc biệt với Việt Nam, chúng ta phải nhập khẩu trên 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên giá xăng dầu nội địa phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới.
Thời gian qua, giá xăng có biến động do tình hình chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp, cộng với những kỳ vọng vào việc ngăn ngặn đẩy lùi dịch Covid-19 đã đẩy giá xăng dầu thế giới tăng lên.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, sự biến động theo chiều hướng tăng của giá xăng trong nước là dễ hiểu và hoàn toàn theo quy luật thị trường. Các cơ quan quản lý đã có kinh nghiệm trong điều hành. Do đó, giá xăng dầu cơ bản được kiểm soát để không tác động đến lạm phát khi giá xăng cao, đã tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá và giảm mức trích quỹ.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, sở dĩ mặt hàng xăng dầu được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm vì là đầu ra của nền kinh tế.Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, thì không thể để giá xăng dầu tác động xấu thêm tình hình.
Mặc dù để cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự định giá bán nhưng thực tế vẫn luôn phải chịu sự giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ của các cơ quan chức năng, là Bộ Công thương, Bộ Tài chính, đặc biệt là vai trò của Bộ Tài chính trong kiểm soát giá cả.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây đã có dự báo đối với giá xăng dầu từ nay đến cuối năm. Mặc dù chịu tác động của xu hướng hồi phục tăng trưởng, sản xuất của các nước song dự báo giá xăng dầu thế giới trong những tháng còn lại năm 2021 sẽ khó có thể tăng đột biến. Nguyên do là mức giá hiện nay đã ở mức cao cũng như sự lo ngại về các biến chủng của virus tiếp tục lây lan mạnh hơn tại một số quốc gia cũng là những yếu tố tâm lý có thể tác động đan xen đến mặt bằng giá.
Theo đó, dự báo giá bình quân các mặt hàng xăng dầu thành phẩm (RON92, RON95) trong quý III, IV/2021 sẽ ở mức 83 – 87 USD/thùng, giá mặt hàng dầu (DO) bình quân sẽ ở mức 75 - 80 USD/thùng.
Theo đó, mức giá bán lẻ xăng dầu trong thị trường trong nước dự báo sẽ không có biến động mạnh so với mức giá hiện hành nếu không có những yếu tố quá bất thường trong diễn biến kinh tế, địa chính trị thế giới. "Tuy nhiên vẫn sẽ có những biến động tăng trong một số thời điểm nếu giảm mức sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu." - báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ./.
Nguồn tin: Tài chính