Theo báo cáo Bộ Tài chính vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về diễn biến giá xăng dầu thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu gây ra biến động giá xăng dầu trong nước là giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng và đứng ở mức cao.
Cần tiếp tục công bố giá cơ sở đối với xăng E5 RON92. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng chỉ giảm bớt phần nào giá xăng dầu trong nước tại thời điểm điều chỉnh nhằm hạn chế bớt tác động đến tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Cần tiếp tục công bố giá cơ sở đối với xăng E5
Trong báo cáo, Liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng kiến nghị, để điều hành giá tốt hơn trong thời gian tới, cần tiếp tục công bố giá cơ sở đối với xăng E5 RON92 như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi tình hình tiêu thụ, diễn biến cung cầu về xăng RON95 theo các tiêu chuẩn khí thải… và xăng E5 RON92 trong Qúy I/2018 để công bố giá cơ sở phù hợp với tình hình kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì đề xuất sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc điều hành giá, Bộ Tài chính nêu rõ, về nguyên tắc sử dụng mỗi loại động cơ khác nhau thì yêu cầu một loại xăng có chỉ số RON khác nhau. Trên thị trường hầu hết các loại xe gắn máy, xe ô tô đều có thể sử dụng xăng có chỉ số RON92, chỉ một số ít loại xe thế hệ mới, phân khối lớn đắt tiền, thường được nhà sản xuất động cơ khuyến cáo sử dụng xăng có chỉ số RON95.
Vì vậy, mặc dù trước đây sử dụng hai mặt hàng xăng RON92 và RON95 tiêu chuẩn khí thải Euro 2 nhưng do mặt hàng xăng RON95 phù hợp cho đa số phương tiện có động cơ đời mới, trong khi RON92 là mặt hàng tiêu dùng phổ biến và được Liên bộ Công Thương - Tài chính xác định để tính toán, công bố giá cơ sở phục vụ điều hành giá bán lẻ tại thị trường nội địa. Mặt hàng xăng RON95 từ trước đến nay chưa được lựa chọn để tính toán công bố giá cơ sở.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, năm 2018 là thời điểm thực hiện mục tiêu chuyển giao và thay thế nhiên liệu sinh học đối với nhiên liệu truyền thống, phù hợp với định hướng phát triển nhiên liệu sinh học góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục thu thập thông tin, bổ sung các số liệu cụ thể để làm rõ, có kết hợp với tiêu chuẩn khí thải. Hiện Liên Bộ tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ, diễn biến cung cầu về xăng RON95 theo các tiêu chuẩn khí thải, xăng E5 RON92 trên thị trường để công bố giá cơ sở phù hợp với tình hình kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong nước theo ý kiến chỉ đạo.
Tổng số dư Quỹ bình ổn giá khoảng 5.100 tỷ đồng
Về hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc trích Quỹ bình ổn giá nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu, góp phần bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2017, Quỹ bình ổn giá tiếp tục được sử dụng linh hoạt nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội; đồng thời giảm tần suất tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Việc hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi thương nhân đầu mối có giao dịch đã đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch quỹ và quản ký quỹ hiệu quả hơn. Tính đến 31/12/2017, tổng số dư Quỹ bình ổn giá theo báo cáo của một số thương nhân kinh doanh đầu mối là khoảng 5.100 tỷ đồng.
Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước được quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
Phương pháp tính giá cơ sở còn được hướng dẫn bởi Chương 2 Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BCT-BTC và Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BCT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch 90/2016/TTLT-BTC-BCT.
Nguồn tin: baotintuc.vn