Giá xăng dầu tăng mạnh khiến các doanh nghiệp phải chi gấp đôi số tiền để nhập khẩu phục vụ nhu cầu trong nước.
Chi gần 2,5 tỷ USD mua xăng dầu
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất nhập khẩu, trong tháng 3, lượng nhập khẩu xăng dầu là 1,31 triệu tấn với trị giá 1,36 tỷ USD, tăng mạnh 75% về lượng và tăng mạnh 114,8% về trị giá so với tháng trước.
Tính trong cả quý I, cả nước nhập khẩu 2,66 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng mạnh 128,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thực tế, giá dầu thế giới liên tục ở trên 100 USD/thùng, có thời điểm vượt 120 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu đã đẩy giá xăng dầu thành phẩm lên cao.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Hàn Quốc (1,06 triệu tấn, tăng mạnh 107%); Malaysia (562 nghìn tấn, giảm 29,8%); Singapore (353 nghìn tấn, tăng 3,5%)…
Ngoài xăng dầu, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong quý I là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,73 tỷ USD, tăng 30,4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (10,53 tỷ USD, giảm 3,1%); Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (6,81 tỷ USD, tăng 17,5%); Điện thoại các loại và linh kiện (5,54 tỷ USD, tăng 14,2%); Ô tô nguyên chiếc các loại (572 triệu USD, giảm 31,9%)…
Xuất khẩu dệt may lập kỷ lục 10 năm
Trong các nhóm hàng xuất khẩu, đáng chú ý nhất là nhóm hàng Hàng dệt may. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đây là nhóm hàng có đóng góp nhiều nhất tới 1,46 tỷ USD vào tăng xuất khẩu của cả nước trong quý I/2022 và có mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may tháng 3 đạt 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước.
Tính chung, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD.
Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Xuất khẩu hàng dệt may quý I các năm từ 2012-2022. Nguồn: TCHQ
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,36 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31,4%; Nhật Bản với 771 triệu USD, giảm 2,9%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 6,9%...
Ngoài nhóm Dệt may, nhóm Hàng thủy sản cũng mang lại bất ngờ khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/tháng.
Tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu nhóm hàng này đóng góp lớn thứ 4 vào tăng xuất khẩu cả nước so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tháng 3 đạt 1,02 tỷ USD, tăng gần 60% so với tháng trước. Trong đó tăng mạnh sang Trung Quốc 123%; Nhật Bản tăng 82%; EU tăng 62%; Hoa Kỳ tăng 57%;…
Tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 2,52 tỷ USD, tăng cao 45,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 788 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng cao: Hoa Kỳ đạt 574 triệu USD, tăng 70,8%; Nhật Bản đạt 347 triệu USD, tăng 13%; EU đạt 297 triệu USD, tăng 57,4%.
Riêng thị trường Trung Quốc, quý I/2022 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 326 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 167 triệu USD.
Ngoài hai nhóm hàng trên, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lục quý I cũng có kết quả khả quan: Điện thoại các loại và linh kiện (14,88 tỷ USD, tăng 3,5%); Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện (3,31 tỷ USD, tăng 15,7%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (9,95 tỷ USD, tăng 9,1%); Sắt thép các loại (2,28 triệu tấn, giảm 21,1%).
Tính trong quý I/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD, tăng 14,3% tương ứng tăng 22,09 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 10,55 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 11,54 tỷ USD).
Quý I/2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,46 tỷ USD.
Nguồn tin: Giao thông