Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ giá cả các mặt hàng khác sẽ bị đẩy lên cao.
Tính từ đầu năm đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã 5 lần thực hiện điều hành giá xăng dầu trong nước. Duy nhất có 1 lần giá xăng dầu giữ nguyên (ngày 10/2) còn lại 4 lần khác giá xăng dầu đều được điều chỉnh tăng. Sau các kỳ điều chỉnh trong hơn 2 tháng qua, giá xăng E5RON92 đã tăng hơn 1.500 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng hơn 1.600 đồng/lít. Không chỉ xăng mà giá các loại dầu cũng liên tục tăng ở mức tương ứng.
Giá xăng dầu 4 lần tăng, 1 lần giữ nguyên từ đầu năm 2021 đến nay.
Phía Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho rằng, do tình hình dịch bệnh trong nước đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân bắt đầu được khôi phục trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao. Từ đầu năm đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 200-2.000 đồng/lít/kg đối với các loại xăng dầu.
“Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ”, Liên Bộ khẳng định.
Việc phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu nhập khẩu khiến giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ giá cả các mặt hàng khác sẽ bị đẩy lên cao. Nhiều người dân, doanh nghiệp đã có phản hồi không mấy tích cực về giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.
Biến động giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp vào ví tiền của người dân. Anh Ngô Việt Hà, ở phố Hoàng Công Chất (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đi làm đổ xăng xe chỉ mất 80.000 - 90.000 đồng/tuần thì nay mỗi tuần chi phí tiền xăng lên đến hơn 100.000 đồng. “Không chỉ tiền xăng xe đội lên, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng sẽ thừa dịp này tăng theo giá xăng, dầu”, anh Hà lo ngại.
Theo chia sẻ của đại diện một hãng Taxi truyền thống tại Hà Nội, đại dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh đã khiến các hãng taxi khó khăn nay lại tiếp tục đối diện với việc giá xăng tăng liên tiếp, như vậy các DN ngành vận tải chưa kịp hồi phục lại thêm phần khó, bởi giá xăng dầu chiếm 35-40% đầu vào quyết định giá thành vận tải. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng tăng mạnh đang tác động lớn đến hoạt động vận tải.
Dần xóa bỏ độc quyền nhập khẩu xăng dầu
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến các DN lao đao, việc giá xăng dầu tăng thời gian qua đang đẩy cộng đồng DN vào tình thế “khó chồng khó”. Khi giá xăng tăng sẽ kéo giá cước vận chuyển tăng, từ đó đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo và đương nhiên dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó giữ giá thành khiến việc tiêu thụ sản phẩm của các DN thêm phần khó khăn.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, xăng dầu là mặt hàng đầu vào của hầu hết các lĩnh vực nên khi giá xăng tăng như thời gian qua theo quy luật kinh tế thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ nên việc giá xăng dầu tăng sẽ có nguy cơ đẩy giá cả các mặt hàng theo kiểu “té nước theo mưa”.
“Giá xăng dầu liên tục tăng cũng khiến các nhà kinh doanh đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Trong đó, các công ty vận tải chịu áp lực rất lớn do giá xăng dầu chiếm khoảng 35%-40% chi phí đầu vào”, ông Liên nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải hướng tới việc xã hội hóa, để nhiều DN cùng được tham gia vào thị trường nhập khẩu và phân phối xăng dầu.
Trước thực tế này, ông Bùi Danh Liên cho rằng, giải pháp trước mắt cần tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để kiềm chế sự tăng giá của mặt hàng này. Tuy nhiên, nhà nước không thể bỏ tiền ra để giải tỏa hoàn toàn những khó khăn của thị trường vì đây là khó khăn chung. Về lâu dài, rất cần những chính sách hợp lý để điều hành, hài hòa lợi ích của các bên.
Đơn cử, theo ông Liên, hiện nay vẫn còn tình trạng độc quyền nhập khẩu xăng dầu, cần phải hướng tới việc xã hội hóa, để nhiều DN cùng được tham gia vào thị trường này, không chỉ để thị phần cho riêng một vài “ông lớn”, như vậy mới mong kiểm soát được việc tăng giá cũng như giúp minh bạch hơn thị trường xăng dầu.
Bên cạnh đó, ông Liên cũng đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế hợp lý để đầu tư đa dạng nguồn nhiên liệu như điện mặt trời, xe chạy điện… Singapore đã có chính sách đến năm 2025 không có xe taxi chạy xăng, chỉ chạy bằng điện, điều này vừa giảm áp lực nhập khẩu xăng dầu, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để giảm áp lực giá xăng tăng ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả, các DN sản xuất nên giám sát chặt chẽ hoạt động của mình để giảm tối đa các mức chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng dầu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa nhiên liệu để không bị phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trước thời điểm 15h00 ngày 12/3/2021, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex là 2.400 tỷ đồng (đã làm tròn số). Trước đó 15 ngày, thời điểm 15h00 ngày 25/2/2021, Quỹ BOG hình thành tại Petrolimex là 2.900 tỷ đồng (đã làm tròn số).
Trong kì điều hành ngày 12/3, Liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích lập Quỹ BOG. Chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 2.000 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 1.100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 600 đồng/lít, dầu hỏa chi ở mức 600 đồng/lít; dầu mazut ở mức 600 đồng/kg./.
Nguồn tin: VOV