Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.
Từ ngày 1-6, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh lần thứ năm liên tiếp. Giá bán các mặt hàng này tiếp tục xác lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 23-5 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 42,90% đến 56,96% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 23-5 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 25,89% - 42,40%.
Mỗi lít xăng RON95 là 30.657 đồng/lít (1,32 USD/lít) bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia) và thấp hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc (1,35 USD/lít), Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít), Campuchia (1,39 USD/lít).
Để giảm sức ép tăng giá xăng dầu lên sản xuất và sinh hoạt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.
Đồng thời, Bộ này sẽ giám sát chặt chẽ về nguồn cung xăng dầu. Trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi quý khoảng 5,2 triệu m3. Trong quý II, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3 (gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3).
Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 2 triệu m3.
Hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước trong quý III và cả năm 2022 (báo cáo Bộ Công Thương trong Quý II) để có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu (bổ sung giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu) thay thế nguồn trong nước bị sụt giảm do sản xuất không ổn định nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ ngay tại kỳ họp đang diễn ra, trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, do giá xăng tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước khác nên có tình trạng “chảy” xăng ra ngoài. Nếu ép giá quá mặt hàng này sẽ không tốt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục, Bộ trưởng Công Thương cho hay "sẽ cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá". Trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, có thể tính tới sử dụng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.
Nguồn tin: An ninh Thủ đô