Số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là hơn 7.400 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ quý I/2021, song qua 5 lần điều chỉnh giá vừa qua, mức chi Quỹ hầu như không được sử dụng, dẫn tới giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng mạnh. Một lần nữa vai trò của Quỹ Bình ổn được đặt ra.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, số dư Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu tới 31/7 hơn 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021. Do đó, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.
Có dư nghìn tỷ nhưng không chi 'bình ổn'
Nguồn hình thành Quỹ BOG xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (Liên Bộ Công Thương – Tài chính) quyết định.
Petrolimex đang có số dư Quỹ BOG xăng dầu cao nhất là 3.156 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá, trích lập và chi Quỹ BOG linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều chỉnh giá trong nước thời gian tới khi thị trường thế giới vẫn xu hướng phức tạp.
Tuy nhiên, việc chi Quỹ BOG xăng dầu lại xem ra đang có vấn đề. Theo thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, số tiền trích lập vào Quỹ BOG với xăng RON 95-III là hơn 3.200 đồng/lít; E5 RON 92 trên 3.400 đồng. Với dầu diesel và dầu hỏa lần lượt khoảng 6.900 đồng và 5.700 đồng/lít. Còn mặt hàng mazut đã trích 2.700 đồng/kg vào quỹ này.
Ở chiều ngược lại, số chi sử dụng từ quỹ cho RON 95-III lại thấp hơn, với hơn 1.400 đồng và 1.320 đồng E5 RON 92. Các mặt hàng dầu được chi 300-700 đồng/lít, kg tùy loại trong 7 tháng qua.
Đáng chú ý, kể từ ngày 11/7 tới 21/8, giá xăng dầu đã tăng 5 lần liên tiếp, nhưng số chi Quỹ BOG rất nhỏ giọt, chủ yếu không dùng. Đơn cử như kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng tăng từ 1.220 - 1.295 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng 437 - 884 đồng/lít/kg. Nhưng nhà điều hành vẫn quyết định không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu.
Ngày 1/8, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng mạnh, xăng tăng 1.152 đồng - 1.171 đồng/lít, dầu tăng 806 - 1.171 đồng/lít. Song, nhà điều hành tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut; chỉ chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
Dù thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành (từ ngày 21/7/2023-01/8/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Dự trữ dầu đang bắt đầu giảm ở một số khu vực do nhu cầu vượt quá nguồn cung bị hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng sâu của OPEC. Cùng với đó, triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và kỳ vọng tăng kích cầu ở Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong đà tăng giá dầu thời gian gần đây…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 21/7 đến 01/8 liên tục có biến động tăng.
PGS. TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, Quỹ BOG xăng dầu là sự “sáng tạo” của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau không giúp hạ thấp giá xăng dầu. Có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm, và ngược lại khi giá thế giới tăng cũng trích lập khá phổ biến. Đáng lo ngại, chưa có quy tắc điều tiết minh bạch, việc xác định loại xăng dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. “Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo nguyên tắc nào”, ông đánh giá.
Theo đó, PGS. TS. Phạm Thế Anh nêu quan điểm, quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi Nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu.
Không nên để doanh nghiệp giữ quỹ
Khi góp ý về Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm không nên giao Quỹ Bình ổn giá cho DN quản lý bởi đây là tiền đóng góp của người dân, nhưng DN lại dùng tiền vào mục đích khác là không công bằng.
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp kể từ tháng 7 đến nay.
Đại biểu Hòa cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, nhất là nguồn hình thành quỹ, thời gian hoạt động quỹ, giao Chính phủ quyết định để đảm bảo công khai, minh bạch. Quỹ này Nhà nước quản lý, có thể lấy từ nguồn ngân sách để khi có đột biết thì dùng quỹ này can thiệp thị trường.
Thực tế, những tranh cãi về việc nên hay không nên bỏ Quỹ BOG liên tục được đặt ra trong nhiều năm liên tiếp. Nhiều quan điểm cho rằng, việc bỏ Quỹ được chấp thuận thì rõ ràng giá xăng dầu của Việt Nam sẽ tiệm cận với thế giới, tăng – giảm theo hàng ngày. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bỏ thì đơn giản nhưng nếu không còn quỹ này thì giá xăng dầu sẽ được điều hành theo cách “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, giá xăng dầu trong nước phải tăng với mức tương ứng.
Khi xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương nêu quan điểm không lựa chọn phương án bỏ Quỹ BOG xăng dầu. Theo đó, cơ quan này đề xuất, tiếp tục giữ công cụ này để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ BOG khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.
Theo Bộ Công Thương, phương án này có ưu điểm, Nhà nước vẫn có công cụ để điều hành giá xăng dầu khi cần thiết nhằm thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu trên thị trường, đưa mặt hàng xăng dầu dần vận hành theo thị trường.
Đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đồng thuận trong điều kiện hiện nay cần tiếp tục duy trì Quỹ BOG xăng dầu nhưng phải theo phương án mà Bộ Công Thương đưa ra để biết được cách thức trích và chi quỹ. Tuy nhiên, về lâu dài có thể nghiên cứu để bỏ Quỹ này. “Vì việc lập và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu thì người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn hưởng lợi”, vị này cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Do Quỹ BOG xăng dầu hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ. Nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Ông Bùi Ngọc Bảo
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Trước đây, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đưa ra quy định rõ ràng việc sử dụng, tỷ lệ chi quỹ ra sao trong trường hợp giá cao, DN tăng giá bán. Nhưng những sửa đổi sau này, các quy định cụ thể trên không còn nữa, thay vào đó cơ quan quản lý quyết định mức chi, sử dụng của mỗi kỳ điều hành giá, giờ không rõ căn cứ vào đâu để nhà quản lý tính toán đưa ra các mức trích, chi Quỹ BOG.
Ông Văn Công Thật
Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TP.HCM)
Những bất cập trong việc điều tiết quỹ BOG xăng dầu thiếu minh bạch, dẫn đến khi giá thế giới xuống thì trích lập nhiều; khi giá lên, xả ra ít làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập quỹ là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản DN đầu mối? Vậy đối tượng nào được phép quản lý việc sử dụng, trong khi người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu? Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao ai hưởng. Đây là quan hệ dân sự thiếu minh bạch. Bộ Tài chính cần có câu trả lời làm thế nào để minh bạch trong trích lập và chi Quỹ BOG để đạt được mục tiêu và ý nghĩa như tên gọi “bình ổn”.
Nguồn tin: Vnbusiness