Chỉ số CPI (lạm phát) tháng 5.2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do giá xăng dầu, vật liệu, dịch vụ giao thông tăng cao.
Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Theo báo cáo, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12.2020 và tăng 2,9% so với tháng 5.2020.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.
CPI tháng 5.2021 tăng 0,16% so với tháng trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 5.2021 tăng 1,43% so với tháng 12.2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 5.2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12.2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đôla Mỹ tháng 5.2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12.2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, 3 nhóm giảm giá so với tháng 4 năm nay. Trong đó nhóm tăng mạnh nhất gồm nhóm giao thông tăng 0,76% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu, trong đó xăng E5 tăng 440 đồng/lít so với tháng trước, xăng A95 tăng 370 đồng/lít, dầu diezel tăng 450 đồng/lít.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước do giá nguyên liệu tăng cao trên thị trường thế giới và nhu cầu xây dựng trong nước tăng cao. Cụ thể giá sản xuất sản phẩm gang, sắt, thép tháng 5 tăng 4,83% so với tháng trước.
Ngày 28.5, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết, hiệp hội này vừa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan về tình hình giá vật liệu đầu vào tăng cao.
Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thép các loại, giá tăng rất mạnh. Một số vật liệu còn xảy ra khan hiếm bất thường như cát xây dựng.
Tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, theo Hiệp hội, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.
Nguồn tin: Lao động