Mặc dù các quốc gia đã sẵn sàng triển khai tiêm ngừa vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 trên diện rộng, thế nhưng giá dầu vẫn được dự báo khó triển vọng do kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro sau Covid-19.
Ngày 30.11, các hợp đồng dầu thô thế giới giảm 1% so phiên kết thúc tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ngưỡng 45 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 47,7 USD/thùng. Trước đó, cả hai hợp đồng dầu này đã tăng khoảng 7% trong tuần qua sau các thông tin lạc quan về vắc-xin phòng chống dịch. Thế nhưng, trước giờ diễn ra cuộc họp giữa các tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) hôm nay (30.11), đà tăng của giá dầu thế giới đã chững lại. Một số thông tin cho thấy, tại cuộc họp diễn ra hôm nay và ngày mai OPEC+ (trong đó có Nga) có thể sẽ quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong năm tới.
Theo các phân tích, để có thể cơ bản ngăn chặn được đại dịch Covid-19, cho dù có vắc-xin rồi thì thế giới cần một thời gian rất dài để có thể phục hồi lại các nền kinh tế, ít nhất trong vòng 1 năm nữa, tức bước sang quý 4 năm sau do các nền kinh tế bị tổn thương thời gian dài trong đại dịch, hiện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về lạm phát, nợ công tăng… Thế nên, theo một số phân tích trên MarketWatch, việc tiếp tục duy trì mức cắt giảm sản lượng hiện nay của OPEC+ chỉ có thể giúp giá dầu thế giới bớt áp lực không bị lao dốc, còn khả năng tăng mạnh rất khó.
Ở trong nước, theo báo cáo hết tháng 11 của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng một số nhóm hàng trong tháng 11 giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm khá cao với 0,47% do giá xăng dầu giảm. Tổng cục Thống kê nhận định, xăng dầu là một trong các yếu tố kiềm chế lạm phát trong 11 tháng năm nay với mức giảm 23,03%; giá gas giảm 1,34%; nhu cầu du lịch giảm, giá du lịch trọn gói giảm 2,6%; giá vé máy bay giảm 34,61%; giá vé tàu hỏa giảm 2,14%. Ngày 30.11, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 14.494 đồng/lít, xăng RON95 15.351 đồng/lít; dầu diesel 11.434 đồng/lít; dầu hỏa 10.138 đồng/lít và dầu mazut 11.742 đồng/kg.
Nguồn tin: Thanh niên