Lo ngại bất ổn ở Libya, Ecuador, cũng như sự bế tắc của các nhà xuất khẩu dầu thô trong việc tăng sản lượng đã hỗ trợ giá dầu hôm nay tiếp đà đi lên.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 29/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 111,92 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 117,42 USD/thùng, giảm 0,56 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,51 USD so với cùng thời điểm ngày 28/6.
Nhận định của các chuyên gia, do lo ngại tình trạng nguồn cung thắt chặt sẽ ngày một lớn hơn khi các nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu duy trì đà phục hồi, cũng như các lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn đang khiến việc vận chuyển dầu thô từ nước này đến các nước tiêu thụ vô cùng khó khăn, giá dầu ngày 29/6 duy trì đà tăng.
Thậm chí, những nhà lãnh đạo của nhóm các quốc gia phát triển G7 cho biết họ sẽ xem xét một lệnh cấm đối với việc vận chuyển dầu của Nga.
Giới phân tích cho rằng, Ả Rập Xê-út và UAE, 2 quốc gia duy nhất của OPEC được đánh giá có đủ năng lực để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga và các nước thành viên, đang hoặc đã ở rất gần giới hạn công suất khai thác. Điều này có nghĩa, bất kỳ sự thiếu hụt nào về nguồn cung trên thị trường sẽ rất khó có thể bù đắp.
Bên lề cuộc họp G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng UAE đang ở công suất tối đa, trong khi Ả Rập Xê-út chỉ có thể tăng sản lượng thêm 150.000 thùng/ngày. Một con số thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng và nhu cầu của thị trường.
Tình trạng bất ổn chính trị ở Libya và Ecuador cũng đang khiến nguồn cung dầu từ 2 nước này giảm mạnh và không ổn định.
Khi mà nguồn cung dầu tiếp tục gặp khó thì ở chiều hướng ngược lại, nhu cầu tiêu thụ dầu lại được đánh giá sắp bước vào giai đoạn phục hồi mạnh nhờ các nhu cầu đi lại mùa du lịch và nhu cầu sử dụng năng lượng mùa nắng nóng.
Ngược lại, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị kiềm chế đáng kể bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng tăng mạnh lãi suất.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị