Dự trữ xăng của Mỹ tăng, Mỹ và Iran vẫn chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân, kinh tế yếu ở Trung Quốc… khiến giá xăng dầu vẫn trên đà giảm tốc.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 9/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2023 giảm 1,24 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 71,29 USD/thùng.
Còn dầu Brent giao tháng 9/2023 giá dầu Brent giao sau giảm 99 cent, tương đương 1,3%, xuống mức 75,96 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, giá dầu giảm xấp xỉ 1 USD. Trước đó trong phiên, giá dầu đã giảm hơn 3 USD khi thông tin Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran để xuất khẩu dầu, đổi lại Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình bằng cách giảm làm giàu uranium.
Tuy nhiên sau đó, giá dầu đã lấy lại được một phần mất mát trong phiên sau khi cả Mỹ và Iran đều phủ nhận một báo cáo rằng họ đã tiến gần đến một thỏa thuận hạt nhân.
Giá dầu đã giảm trước đó sau báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy. dự trữ xăng của Mỹ trong tuần trước tăng 2,8 triệu thùng, cao hơn dự kiến. Điều này làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu của Mỹ khi mùa lái xe cao điểm hè đang diễn ra.
Lo ngại về cầu đã lấn át triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn sau khi Saudi Arabia cam kết tại cuộc họp OPEC+ hồi cuối tuần trước về việc cắt giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày, còn 9 triệu thùng/ngày từ tháng 7.
Việc cắt giảm đơn phương của Saudi Arabia đã đưa tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên tới 4,6 triệu thùng/ngày, tương đương 4,6% nhu cầu của toàn thế giới.
Cũng tại cuộc họp này, OPEC+ đã nhất trí gia hạn việc cắt giảm sản lượng hiện tại, vốn hết hạn vào cuối năm nay, đến hết năm 2024.
Tamas Varga của Công ty môi giới PVM cho biết giá dầu có thể tăng nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bỏ qua đợt tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13 và 14/6.
Trong phiên giao dịch trước đó một ngày, giá dầu đã có thời điểm lao dốc do dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc. Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 5, xuất khẩu của quốc gia Đông Á này giảm 7,5%, cao hơn so với mức giảm dự báo chỉ 0,4% và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1.
Cũng trong tháng 5, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 4,5%, chậm hơn so với mức giảm dự kiến 8% và thấp hơn so với mức giảm 7,9% của tháng 4. Sự sụt giảm trong hoạt động xuất-nhập khẩu của Trung Quốc là do các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước vẫn trì trệ.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị