Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu hôm nay (9-5): Giá dầu giảm, Brent xuống mức 111,8 USD/thùng

Ngược với đà tăng cuối tuần trước, giá dầu Brent và WTI bắt đầu tuần giao dịch mới trong sắc đỏ. Giá dầu Brent lao dốc xuống còn 111,8 USD/thùng, WTI còn 109,2 USD/thùng.

Giá xăng dầu thế giới

Theo oilprice, lúc 6 giờ 5 phút ngày 9-5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 được giao dịch ở mức 109,2 USD/thùng, giảm 0,54 USD, tương đương 0,49%.

Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 111,8 USD/thùng, giảm 0,48 %, tương đương 0,54 USD.

Kịch bản của tuần trước đang được tái hiện lại trong tuần này. Giá cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều mất đà leo dốc, trượt nhẹ.

Giá dầu tuần trước đã liên tục biến động, lúc giảm xuống 105 USD/thùng đối với dầu Brent, và 102,41 USD/thùng đối với dầu WTI, lúc tăng tốc lên hơn 112 USD/thùng.

Những lo ngại về triển vọng nhu cầu giảm, việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), và nguồn cầu giảm từ nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới Trung Quốc đã đẩy giá “vàng đen” lao dốc. Tuy nhiên, đà xuống dốc này sớm bị ngăn lại bởi thông tin Ủy ban châu Âu (EC) có thể “miễn” cho Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga khi EC chuẩn bị hoàn tất gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga.

Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 4-5, thông tin EU đưa ra kế hoạch loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga theo từng giai đoạn đã trở thành bàn đạp giúp giá dầu leo dốc tới hơn 5 USD. Và đà tăng của giá dầu được duy trì cho đến kết phiên giao dịch của tuần với Brent kết thúc ở mức 112,4 USD/thùng, WTI 109,8 USD/thùng, đánh dấu tuần tăng giá của hai mặt hàng này. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 4% còn giá dầu WTI tăng khoảng 5%.

Bất chấp giá dầu tăng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) vẫn “bám trụ” với kế hoạch nâng mục tiêu sản lượng tháng 6 lên chỉ 432.000 thùng/ngày. Quyết định này của OPEC +, theo oilprice, có nghĩa là sẽ không có thêm dầu đến châu Âu để thay thế các thùng dầu bị trừng phạt của Nga. Theo Chủ tịch EC Ursual von der Leyen, lệnh cấm vận dầu thô sẽ có hiệu lực sau sáu tháng và lệnh cấm vận sản phẩm tinh chế sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

EU nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga mỗi ngày. Dầu nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng ¼ lượng dầu nhập khẩu của EU. Con số nói trên cũng chiếm khoảng ½ tổng kim ngạch xuất khẩu dầu và sản phẩm của Nga.

Reuters đưa tin, tại cuộc gặp ngày 8-5, các thành viên EU đã “tiến gần hơn” đến sự đồng thuận với các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga bao gồm lệnh cấm mua dầu của Nga. Dự kiến các cuộc đàm phán vào hôm nay, 9-5 sẽ giúp tìm ra cách đảm bảo cho các quốc gia hiện đang phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga.

Trong một diễn biến khác, Ả-rập Xê-út đã hạ giá dầu thô Arab Light cho châu Á và châu Âu trong tháng 6, theo một tài liệu định giá do nhà sản xuất dầu Saudi Aramco công bố hôm 8-5. Trước đó, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã tăng giá dầu thô cho tất cả các khu vực trong tháng 5, khiến giá bán dầu tại khu vực châu Á đạt mức cao nhất mọi thời đại, do lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt của Nga gây ra sự lo lắng trên thị trường năng lượng quốc tế.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9-5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.468 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.434 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.530 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.828 đồng/lít và dầu mazut không quá 21.560 đồng/kg.

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

ĐỌC THÊM