Giá dầu thô ngày 9/2 lấy lại đà tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục phục hồi mạnh khi các chuỗi cung ứng, sản xuất được khôi phục, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, hàng không được nối lại.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 9/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 89,71 USD/thùng, tăng 0,35 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 8/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã giảm 1,50 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 91,16 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,27 USD so với cùng thời điểm ngày 8/2.
Giá dầu ngày 9/2 lấy lại đà tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục phục hồi mạnh khi các chuỗi cung ứng, sản xuất được khôi phục, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, hàng không được nối lại.
Tuy nhiên, giá dầu đã giảm so với mức “đỉnh” mới đạt được trong bảy năm gần đây do việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran tại Vienna (Áo) ngày 8/2 có thể “hồi sinh” một thỏa thuận hạt nhân quốc tế và cho phép xuất khẩu nhiều dầu hơn từ nhà sản xuất dầu thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này.
Theo Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, “chính phủ Mỹ đang cố gắng điều chỉnh giá dầu bằng cách khẩn trương đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran”. Ông này cho biết, bất kỳ thỏa thuận nào của Iran đều có thể giải phóng thêm "sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ trong vòng 4 đến 6 tháng, hoặc thậm chí nhanh hơn vì Iran được cho là có kho dự trữ dầu trên nước".
Giá dầu đã tăng mạnh thời gian qua do nhu cầu toàn cầu tăng, căng thẳng Nga-Ukraine, gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất như Libya và sự chật vật đạt sản lượng đề ra của nhiều nước thuộc OPEC+.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ước tính lượng dầu thô giảm trong tuần này là 2,025 triệu thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 78 triệu thùng kể từ đầu năm 2021 và khoảng 21 triệu thùng kể từ đầu năm nay. Tuần trước, API đã báo cáo lượng tồn kho dầu thô giảm 1,645 triệu thùng sau khi các nhà phân tích dự đoán mức tăng 1,833 triệu thùng.
Việc “hồi sinh” thỏa thuận này sẽ giúp Iran “tung” vào thị trường hơn 1 triệu thùng dầu/ngày, thúc đẩy nguồn cung toàn cầu lên khoảng 1%.
Giá xăng dầu trong nước
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay ghi nhận giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.595 đồng/lít; giá xng RON95 không cao hơn 24.360 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg.
Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 21/1. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp, đưa mặt hàng này lên mức giá khá cao. Trong khi đó quỹ bình ổn đang trong tình trạng cạn kiệt, một số đơn vị âm lớn.
Bảng giá xăng dầu trong nước ngày 9/2.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường