Giá xăng dầu hôm nay 8/3, thị trường xăng dầu giằng co bởi nhiều yếu tố, từ lo ngại Fed tiếp tục tăng lãi suất đến lạc quan về nhu cầu sau khi Trung Quốc chấm dứt Zero Covid.
Giá xăng dầu hôm nay 8/3
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h01' hôm qua (ngày 7/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 85,77 USD/thùng, giảm 0,41 USD, tương đương 0,48% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 80,06 USD/thùng, giảm 0,4 USD, tương đương 0,5% so với phiên liền trước.
Các chuyên gia cho rằng, giá dầu đi xuống bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thấp hơn dự kiến và do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng chờ đợi lời phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay khoảng 5%, thấp hơn con số 5,5% của năm 2022. Việc Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng thận trọng khiến sự lạc quan về nhu cầu tiêu thụ giảm bớt phần nào, kéo giá dầu đi xuống.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu sức ép do giới đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất mới vào cuộc họp chính sách sắp diễn ra.
Hôm 2/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagard cho biết ngân hàng này dự kiến tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào ngày 16/3.
Trong tháng 3 này, Fed sẽ họp về lãi suất. Các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày 7-8/3, về việc Fed có cần tăng lãi suất nhiều hơn hay không.
Các nhà đầu tư cũng giữ tâm lý thận trọng khi tuần này sẽ có báo cáo thị trường dầu tháng 3 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu tác động do lo ngại tình trạng bất ổn địa chính trị gia tăng, đặc biệt là các vấn đề xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine, sẽ kéo theo các cuộc chiến tranh thương mại, ảnh hưởng đến thị trường dầu thô.
Thêm vào đó, giá dầu giảm còn bởi dự báo nguồn cung đang có dấu hiệu dồi dào.
Một số báo cáo mới đây chỉ ra rằng, dự trữ dầu thô của Mỹ (nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới) liên tục tăng trong những tuần giao dịch gần đây. Dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/2.
Một dấu hiệu khác cũng cho thấy nguồn cung dầu tăng là sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng 150.000 thùng/ngày trong tháng 2 vừa qua.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm từ dầu như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay trong hai tháng đầu năm 2023 của nước này đã tăng 74,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo tình trạng dư dầu có khả năng xảy ra vào đầu năm nay mặc dù nguồn cung có thể thắt chặt nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây làm giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga.
Thời gian gần đây, giá dầu thô trải qua nhiều biến động. Thị trường giằng co bởi nhiều yếu tố, từ lo ngại Fed tiếp tục tăng lãi suất đến lạc quan về nhu cầu sau khi Trung Quốc chấm dứt Zero Covid.
Giá xăng dầu trong nước
Giá xăng trong nước ngày 8/3 được điều chỉnh theo kỳ điều hành ngày 1/3. Cụ thể, giá xăng RON95 giảm 120 đồng/lít, giá bán là 23.320 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 120 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít, giá bán là 20.250 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít, giá bán là 20.470 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành ngày 1/3, nhà chức trách tiếp tục không chi từ Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, mức trích từ Quỹ bình ổn với xăng RON 95-III tăng từ 0 đồng lên 200 đồng một lít; E5 RON 92 tăng lên 250 đồng một lít so với kỳ điều hành ngày 21/2.
Mức trích quỹ với dầu diesel giảm 100 đồng so với kỳ điều hành trước, về còn 500 đồng. Dầu hoả có mức trích lập vào quỹ là 300 đồng một lít, tăng 100 đồng. Riêng mức trích lập với dầu mazut vẫn duy trì 0 đồng mỗi kg như cách đây 10 ngày.
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam