Dầu Brent giao tháng 6 ngày 6/4 tăng 13 cent, tương đương 0,15%, lên mức 85,12 USD/thùng. Còn giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa tăng 9 cent, tương đương 0,11%, lên mức 80,7 USD/thùng.
Với việc cắt giảm sản lượng tự nguyện tới 1,66 triệu thùng/ngày, kể từ tháng 5 đến cuối năm, OPEC+ sẽ cắt giảm tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương với gần 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Sự tăng giá của dầu còn được tác động bởi mức giảm mạnh hơn dự kiến và mức giảm tuần thứ hai liên tiếp trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của nước này cũng giảm cho thấy nhu cầu tăng. Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này cũng cắt giảm số lượng giàn khoan dầu tuần thứ hai liên tiếp.
Số lượng giàn khoan, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 2 giàn xuống còn 590 giàn trong tuần. Tuy nhiên, nhân tố hạn chế mức tăng của dầu chính là dữ liệu thị trường lao động của Mỹ. Dữ liệu này chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế ở “xứ sở cờ hoa” đang chậm lại và cũng có sự tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ.
Giám đốc phụ trác hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities Robert Yawger nhận xét, sự phá hủy nhu cầu diễn ra do nguy cơ suy thoái kinh tế lớn hơn mức cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Yawger cho biết thêm, những người mua quyền chọn bán để phòng ngừa rủi ro giảm giá tích cực hơn những người mua quyền chọn mua vốn đặt cược vào giá tăng.
Theo Yawger, điều này có nghĩa là các nhà giao dịch vẫn lo lắng giá dầu có thể giảm. Trong khi đó, Stephen Brennock của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết, đà tăng giá của thị trường dầu mỏ có thể đã tạm dừng, nhưng tiềm năng tăng giá vẫn còn trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Các chuyên gia cho rằng, do thị trường cân nhắc việc cắt giảm sâu sản lượng của OPEC+ và sự sụt giảm trong tồn kho dầu của Mỹ làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu, giá dầu đã liên tiếp tăng.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị