Giá xăng dầu hôm nay 7/2, giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi sau đợt giảm mạnh vào tuần trước.
Giá xăng dầu hôm nay 7/2
Giá dầu thế giới vào sáng ngày 7/2 (theo giờ Việt Nam) như sau: giá dầu thô WTI tăng 1,02 USD, lên mức74,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 1,29 USD, lên mức 81,14 USD/thùng.
Giá dầu tăng từ mức giảm 8% vào tuần trước do lo ngại về nguồn cung, nhưng vẫn giao dịch gần mức thấp nhất trong ba tuần, do lo ngại rằng tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế lớn có thể hạn chế sử dụng nhiên liệu.
Trong báo cáo mới đây của mình, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ tăng trở lại mức trên 100 USD/thùng trong năm nay và thị trường dầu lửa toàn cầu có thể đối mặt với vấn đề nguồn cung nghiêm trọng trong năm 2024 khi công suất khai thác dự trữ cạn kiệt.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt có thể khiến xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ hồi phục sau khi nước này mở cửa trở lại. Bối cảnh đó sẽ đưa giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng, từ mức khoảng 80 USD/thùng hiện nay – Goldman Sachs nhận định.
Goldman Sachs cho rằng OPEC+ sẽ dỡ bỏ các hạn chế sản lượng và tính đến chuyện tăng sản lượng khai thác dầu trong năm nay. Đầu tháng này, một uỷ ban theo dõi thị trường của OPEC+ đã khuyến nghị liên minh giữ nguyên sản lượng dầu.
Trong khi nỗi lo suy thoái chi phối thị trường vào tuần trước, triển vọng phục hồi của Trung Quốc sau khi nới lỏng các biện pháp kiềm chế Covid-19 vẫn là động lực thúc đẩy giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay đến từ Trung Quốc, Giám đốc Fatih Birol cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay đang tăng lên.
Vào phiên cuối của tuần trước, dầu WTI và Brent đã giảm 3% sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Hoa Kỳ làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng lãi suất, từ đó thúc đẩy đồng USD.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung tiếp tục đè nặng lên các thị trường khi hoạt động tại kho cảng dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ceyhan tạm dừng sau một trận động đất lớn xảy ra gần đó vào đầu ngày 6/2.
Không có thiệt hại nào đối với đường ống Kerkuk-Ceyhan vận chuyển dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan, và dòng dầu đang tiếp tục trên cả hai sau trận động đất lớn xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức năng lượng thông tin tới Reuters.
Lệnh cấm vận hoàn toàn của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2 nhưng dữ liệu từ các thương nhân và Refinitiv cho thấy phần lớn dầu nhiên liệu và dầu khí chân không (VGO) của Nga đã được vận chuyển đến các khu vực khác, chủ yếu ở châu Á.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.329 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.147 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.524 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.576 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.934 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng từ 19 giờ ngày 30/1. Theo điều chỉnh, giá các loại xăng dầu tăng gần 1.000 đồng/lít (kg).
Trong khi Bộ Tài chính luôn bảo lưu quan điểm giao Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất quản lý nhà nước về giá xăng dầu thì Bộ Công Thương đã 2 lần thay đổi phương án.
Tại dự thảo tờ trình lần 1 về sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong số các phương án đưa ra lựa chọn, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính là đầu mối duy nhất quản lý giá xăng dầu.
Tới dự thảo lần 2, Bộ Công Thương thay đổi quan điểm và đề nghị giữ nguyên cơ quan đầu mối quản lý xăng dầu như hiện tại, tức liên Bộ: Công Thương - Tài chính cùng điều hành, trong đó Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì. Lý do là việc phân công phối hợp như vậy đã thực hiện từ nhiều năm, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng của từng bộ, ngành.
Trong điều hành giá, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở, bảo đảm giám sát, kiểm tra các chi phí chính xác, minh bạch và đúng chuyên môn.
Cũng trong công văn ngày 3.2 này, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công Thương bỏ một nhận định “chủ quan và chưa chính xác” nêu trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng. Đó là: “thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh”.
Bộ Tài chính cho rằng, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng 60% - 80% tùy chủng loại trong công thức tính giá cơ sở). Vì vậy, biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Đối với việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC. Như vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định.
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam