Dự báo không mấy lạc quan về nhu cầu dầu thô đã cắt đứt đà tăng và khiến giá xăng dầu hôm nay giảm mạnh.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 7/10, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2020 đứng ở mức 39,98 USD/thùng, giảm 0,95 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 6/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2020 đã tăng 0,39 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2020 đứng ở mức 41,87 USD/thùng, giảm 0,78 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 0,47 USD so với cùng thời điểm ngày 6/10.
Giá dầu ngày 7/10 có xu hướng giảm mạnh chủ yếu do thị trường ghi nhận thông tin dự báo không mấy lạc quan về nhu cầu dầu thô.
Ngày 15-9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hạ dự báo về sự phát triển của nhu cầu dầu trong năm 2020 do sự gia tăng của các trường hợp nhiễm mới Covid-19 ở nhiều quốc gia, các biện pháp phong tỏa địa phương, sự yếu kém của lĩnh vực hàng không... IEA dự kiến nhu cầu toàn cầu giảm 8,4 triệu thùng/ngày (Mb/d) trong năm 2020, giảm so với 8,1 Mb/d dự kiến trong báo cáo trước đó. Theo IEA, năm 2021, nhu cầu dầu sẽ đạt mức 97,1 Mb/d, vẫn thấp hơn năm 2017.
Trong báo cáo được công bố vào tháng 8-2020, IEA mô tả việc tái cân bằng thị trường dầu là “khó khăn”. Giờ đây, triển vọng phục hồi nhu cầu dầu thậm chí còn mong manh hơn.
Trước IEA, ngày 14-9-2020, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng tỏ ra bi quan về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 và 2021 do sự suy yếu ở một số nước châu Á sau đại dịch Covid-19.
Trong báo cáo hằng tháng, OPEC đã điều chỉnh giảm 0,4 Mb/d so với dự báo hồi tháng 8. Theo đó, nhu cầu toàn cầu trong năm 2020 có thể sẽ giảm mạnh hơn so với dự đoán, giảm 9,5 Mb/d, chỉ đạt 90,2 Mb/d do cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19.
Khác với IEA, báo cáo của OPEC đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn mà một số nước châu Á đang đối mặt. OPEC cho biết: Cho đến nay, nhu cầu dầu ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines đã yếu hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Tình hình kinh tế tiêu cực ở một số nước châu Á sẽ còn tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm 2021.
Từ đó, OPEC dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2021 được điều chỉnh giảm 0,4 Mb/d so với dự báo hồi tháng 7-2020. Nhu cầu dầu sẽ chỉ phục hồi 6,6 Mb/d vào năm 2021, tăng lên 96,9 Mb/d.
Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) cũng nhận định rằng, thời kỳ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã chấm dứt do hậu quả của đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo BP, nhu cầu dầu mỏ có thể đã chạm trần và sắp trải qua nhiều thập niên suy giảm chưa từng có.
Để đối phó với tình hình không khả quan, BP đang lên kế hoạch thay đổi mạnh mẽ cách thức làm việc của nhân viên theo hướng linh hoạt hơn như làm việc từ xa. Đây là thời điểm BP đang bắt đầu tái cấu trúc mạnh mẽ để xanh hóa các hoạt động và thích ứng với cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ, với kế hoạch cắt giảm chi phí và 10.000 việc làm. BP dự định cho nhân viên kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng. BP cũng linh hoạt hơn trong các cuộc họp, chủ yếu được tổ chức trực tuyến.
Tuy nhiên, giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ bởi hy vọng về một gói cứu trợ kinh tế Mỹ đã tăng lên sau phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 5/10 và hai bên chuẩn bị đàm phán tại vào ngày 6/10, trong một nỗ lực cùng nhau đạt được sự thỏa hiệp về gói cứu trợ.
Ngoài ra, giá dầu ngày 7/10 cũng được hỗ trợ bởi lo ngại các nhà máy lọc dầu có thể bị ảnh hưởng bởi cơn bão nhiệt đới Delta đang hướng vào khu vực vùng Vịnh Mexico.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 14.215 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 14.984 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.128 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 9.449 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.826 đồng/kg.
Nguồn tin: petrotimes.vn