Cả hai hợp đồng dầu thô thế giới đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 2.2020.
Ngày 7.1, giá dầu thế giới tiếp đà tăng nhẹ. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 50,6 USD/thùng; dầu Brent chuẩn toàn cầu ở mức 54,3 USD/thùng cho các hợp đồng giao tháng 2.2021. So với hôm qua (6.1), dầu Brent tăng hơn 0,7 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay có xu hướng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong 11 tháng qua (từ tháng 2.2020), sau khi Ả Rập Xê Út quyết định cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến trong cuộc họp giữa các thành viên OPEC+ ngày 5.1 vừa qua. Động thái của nước này nhằm thuyết phục các thành viên khác giữ ổn định sản lượng, không “đòi” tăng sản lượng như Nga. Việc cắt giảm này sẽ hỗ trợ giá trong tuần tới, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent vào cuối năm nay sẽ lên 65 USD/thùng. Dù vậy, cuộc họp của OPEC+ vẫn đồng ý cho Nga tăng sản lượng thêm 65.000 thùng/ngày trong tháng 2, lên 9,184 triệu thùng/ngày và tiếp tục tăng thêm 65.000 thùng/ngày vào tháng 3, lên 9,249 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, Kazakhstan cũng tăng sản lượng thêm 10.000 thùng/ngày vào tháng 2 lên 1,427 triệu thùng/ngày và tăng tiếp 10.000 thùng/ngày vào tháng 3 năm nay lên 1,437 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường cho rằng, đà tăng của giá dầu thế giới sẽ bị hạn chế do tình trạng bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra tại Mỹ. Nhiều lo ngại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tăng sau những cuộc biểu tình này khiến nhu cầu dầu tiếp tục sụt giảm. Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của quốc gia đứng đầu thế giới về dầu mỏ dự báo một bức tranh không mấy sáng sủa cho nhu cầu dầu thô thế giới, nếu không nói là giảm mạnh trên toàn cầu, kể cả châu Á, nơi tình trạng lây nhiễm Covid-19 cũng đang gia tăng trở lại.
Ở trong nước, ngày 7.1, giá bán lẻ xăng dầu theo công bố của Petrolimex như sau: xăng E5 RON92 15.518 đồng/lít; xăng RON95 16.479 đồng/lít; dầu diesel 12.376 đồng/lít; dầu hỏa 11.188 đồng/lít…
Nguồn tin: Thanh niên