Giá xăng dầu gần như đi ngang, dầu WTI kết thúc phiên giảm nhẹ, còn Brent nhích đôi chút, cả hai vẫn ở trên mốc 80 USD/thùng.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 6/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2023 kết thúc phiên giảm 10 cent, tương đương 0,1%, xuống mức 80,61 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 6/2023 tăng 5 cent, tương đương 0,06%, lên mức 84,99 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 5/4, bất chấp dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Sự dịch chuyển nhẹ theo hai hướng của dầu Brent và WTI là do thị trường cân nhắc triển vọng kinh tế xấu đi, trước kỳ vọng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và kế hoạch cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất OPEC+.
Dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31/3, cao hơn khoảng 1,5 triệu thùng so với dự báo.
Tương tự, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm sâu hơn dự kiến với mức giảm lần lượt là 4,1 triệu thùng và 3,6 triệu thùng.
Cũng theo EIA, tồn kho dầu của Mỹ đang đứng ở mức 470 triệu thùng, cao hơn khoảng 4% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này trong năm.
Giá dầu cũng trở nên ít biến động hơn sau dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc và Mỹ, cho thấy tốc độ phục hồi sau đại dịch của hai nước này đã hạ nhiệt, làm dấy lên những lo lắng hiện hữu về triển vọng nhu cầu dầu mỏ vào cuối năm nay.
Giàn BK-18A mỏ Bạch Hổ của Petrovietnam. Ảnh minh họa
Reuters đưa tin, cơ hội việc làm tháng 2 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm. Điều đó có nghĩa là thị trường lao động đang hạ nhiệt.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, nhận xét dữ liệu việc làm có thể là dấu hiệu đầu tiên của sự suy yếu trong thị trường lao động Mỹ. Không có dữ liệu này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ rất khó chứng minh cho lập luận tạm dừng chu kỳ thắt chặt lãi suất của mình.
Các nhà giao dịch sẽ tìm kiếm tín hiệu về xu hướng kinh tế rộng lớn hơn từ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tuần, vì dữ liệu kinh tế yếu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại về nhu cầu.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị