Thông tin cuộc họp của OPEC+ không diễn ra được như dự kiến khiến giá xăng dầu hôm nay quay đầu giảm mạnh.
Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 6/4, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 đứng ở mức 26,31 USD/thùng, giảm 2,03 USD/thùng trong phiên. So với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 3/4, giá dầu WTI giao tháng 5/2020 đã giảm tới 2,69 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2020 đứng ở mức 32,38 USD/thùng, giảm 1,73 USD/thùng trong phiên nhưng giảm tới 2,49 USD/thùng so với cuối phiên 3/4.
Giá dầu ngày 6/4 quay đầu giảm mạnh sau khi thông tin cuộc họp của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra trong ngày hôm nay có thể lùi sang ngày 9/4. Theo Reuters, nguyên nhân của việc này là do bất đồng giữa Nga và Saudi Arabia xung quanh câu chuyện ai có lỗi khi để giá dầu lao dốc ngày càng tăng.
Trong một cuộc họp trực tuyến với quan chức chính phủ và lãnh đạo hãng dầu hôm thứ sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nguyên nhân đầu tiên khiến giá đi xuống là tác động của đại dịch lên nhu cầu. "Còn nguyên nhân thứ hai là các đối tác của chúng ta từ Saudi Arabia rút khỏi thỏa thuận OPEC+. Họ tăng sản xuất và thông báo sẵn sàng hạ giá bán dầu", ông nói.
Đáp trả động thái trên, trong một thông báo được phát đi sau đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết “Bộ trưởng Năng lượng Nga là người đầu tiên công bố trước giới truyền thông rằng tất cả các nước tham gia thỏa thuận sẽ không phải tuân thủ thỏa thuận kể từ ngày 1/4, khiến các nước khác quyết định cũng nâng sản lượng theo”.
"Tôi vừa nói chuyện với người bạn Mohammed bin Salman ở Ả Rập Saudi, người này cũng đã nói chuyện với Tổng thống Nga Putin", ông Trump viết trên Twitter. "Tôi hy vọng rằng họ sẽ giảm khoảng 10 triệu thùng và có thể nhiều hơn nữa", Tổng thống Mỹ nói và thêm rằng "thậm chí mức cắt giảm có thể lên tới 15 triệu thùng".
Trên hãng thông tấn quốc gia SPA, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia cũng khẳng định chính Nga đã rút khỏi thỏa thuận, chứ không phải Saudi Arabia.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu đã đồng loạt tăng mạnh khi thị trường ghi nhận một loạt tín hiệu tích cực đến cả từ 2 phía cung – cầu.
Ngày 2/4, Tổng thống Trump nói rằng có thể sẽ có một thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Nga, hai quốc gia đang trong cuộc chiến giá dầu, với mức giảm 10 triệu thùng.
Ngay sau tuyên bố trên của Tổng thống Donald Trump, Saudi Arabia đã kêu gọi một cuộc họp "khẩn cấp" của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác khác trong OPEC+ (bao gồm cả Nga) để "khôi phục lại sự cân bằng cho thị trường dầu mỏ.
Tổng thống Putin sau đó cũng cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với Arab Saudi và Mỹ để cắt giảm nguồn cung dầu trên thế giới.
"Nga sẵn lòng xây dựng các thỏa thuận trong khuôn khổ OPEC+, chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với Mỹ trong vấn đề này. Tôi tin rằng các bên cần hợp tác để cân bằng thị trường và giảm sản lượng", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 3/4.
Ở một diễn biến khác, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới – đang tranh thủ giá dầu xuống thấp để tăng mạnh mua dự trữ.
Theo hãng tin Bloomberg, Bắc Kinh đã yêu cầu các cơ quan chính phủ phối hợp để nhanh chóng bơm đầy các bề chứa dầu dự trữ, đồng thời sử dụng một số công cụ tài chính cần thiết để mua dầu thô.
Không chỉ các kho dự trữ nhà nước, Trung Quốc cũng muốn tận dụng các kho thương mại để trữ dầu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong nước bơm đầy bể chứa.
Bắc Kinh có mục tiêu tăng lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược lên tương đương 90 ngày nhập khẩu và có thể lên tới 180 ngày nếu tính cả dự trữ thương mại.
Nguồn tin: petrotimes.vn