Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, lạm phát ở các nền kinh tế lớn giảm tốc tiếp tục hỗ trợ giá xăng dầu tăng tốc. Giá dầu Brent đang hướng tới mốc 90 USD/thùng?
Giá dầu thế giới
Tuần trước, triển vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục là nhân tố chính thúc đẩy giá dầu leo dốc. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng 4 phiên liên tiếp và giảm duy nhất 1 phiên.
Giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục biến động. Ảnh minh họa: Reuters |
Phiên giảm duy nhất của giá dầu, khoảng 1%, rơi đúng vào phiên giao dịch đầu tiên. Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cao để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức cao ở “xứ sở cờ hoa” đã đẩy giá dầu trượt dốc.
Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu đã không thể kéo dài. Từ phiên thứ 2 đến phiên thứ 5 của tuần giao dịch, giá dầu đã liên tục leo dốc, lúc tăng gần 2%, lúc nhích nhẹ chưa đến 50 cent.
Theo các nhà phân tích của JPMorgan, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa của nước này cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ tăng.
Trong tuần, ngoài yếu tố tăng lãi suất, đà tăng của giá dầu còn bị hạn chế bởi báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và tin đồn về Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) rời OPEC.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,2 triệu thùng lên 480,2 triệu thùng - mức cao nhất kể từ tháng 5-2021 và tăng tuần thứ 10 liên tiếp.
Trong khi kỳ vọng Fed hạ nhiệt tăng lãi suất (với mức tăng chỉ 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách sắp tới), các nhà đầu tư lại khá quan ngại với khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất cao bởi lạm phát tại khu vực đồng Euro trong tháng 2 vẫn cao, 8,5%, dù giảm nhẹ so với mức 8,6% của tháng 1. Mặc dù mức lạm phát có giảm nhưng vẫn cao hơn mức ước tính 8,2% mà các chuyên gia phân tích tại công ty dữ liệu tài chính FactSet đưa ra trước đó, cũng như mức 8,3% theo đánh giá của hãng tin Bloomberg. Cùng với đó, lạm phát cơ bản của khu vực đồng Euro (không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động) đã tăng từ 5,3% trong tháng 1 lên mức kỷ lục mới 5,6% vào tháng 2.
Điều đáng chú ý là tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá dầu đã biến động giảm mạnh hơn 2% với thông tin UAE cân nhắc việc rời khỏi OPEC. Tuy nhiên, sau khi các quan chức bác bỏ báo cáo về sự rạn nứt ngày càng tăng giữa UAE và Ả Rập Xê-út, giá dầu đã hồi sinh.
Tính cả tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 3,21% lên mức 85,83 USD/thùng, dầu WTI tăng 4,4% lên mức 79,68 USD/thùng.
Tuần này, nhân tố thúc đẩy giá dầu tăng vẫn sẽ tiếp tục là nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc. Giá dầu sẽ chịu tác động bởi các yếu tố khác như dự trữ xăng dầu của Mỹ; Ả Rập Xê-út nâng giá bán dầu Arab Light tháng 4 cho châu Á và châu Âu lên 2,5 USD/thùng so với tiêu chuẩn khu vực, cao hơn 50 cent so với mức của tháng 3. Giá dầu Brent và WTI đang hướng đến tuần tăng giá tiếp theo với Brent tiến dần đến mốc 90 USD/thùng và WTI mốc 80 USD/thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-3 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.421 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 23.325 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.255 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.474 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.555 đồng/kg. |
Nguồn tin: Quân đội nhân dân