Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu hôm nay (6-2): Quay đầu tăng

Giá xăng dầu đang bứt tốc sau cú trượt dốc không phanh hồi tuần trước. Giá dầu Brent tăng vượt mức 80 USD/thùng, giá dầu WTI nhích dần đến mốc 74 USD/thùng.

Giá dầu thế giới

Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều đã giảm gần 8% bất chấp các dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu thô của Trung Quốc có thể phục hồi và lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu thô của Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 5-2.

Giá xăng dầu hôm nay (6-2): Quay đầu tăng
Một tuần biến động của giá xăng dầu đã bắt đầu. Ảnh minh họa: Getty 

Giá dầu đã lao dốc không phanh, chịu tác động bởi dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô, xăng, và các sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước đó; OPEC+ quyết định sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đối với chiến lược sản lượng của mình vào thời điểm này; và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất mục tiêu của mình thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời hứa sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã giảm tới 4 phiên và chỉ tăng duy nhất 1 phiên. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 7,8%, giá dầu WTI giảm 7,9%.

Trong bối cảnh OPEC+ vẫn duy trì hạn ngạch sản lượng của mình, Reuters ngày 5-2 đưa tin, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết các nhà sản xuất dầu có thể phải xem xét lại chính sách sản lượng của họ sau khi nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Ông Birol nói bên lề hội nghị Tuần lễ Năng lượng Ấn Độ rằng “Chúng tôi dự đoán khoảng một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc”. Ông cho biết thêm, nếu nhu cầu tăng rất mạnh, nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, thì các nước OPEC+ sẽ cần phải xem xét các chính sách của họ.

Ngày 4-2, EU đã đồng ý đặt mức giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Cụ thể, mức trần giá 100 USD/thùng sẽ áp dụng đối với các sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu thô, chủ yếu là dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm được giao dịch ở mức chiết khấu, chẳng hạn như dầu nhiên liệu và naphtha.

Theo Politico, mức trần giá này có thể sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu này ngay lập tức bởi dầu diesel hiện đang giao dịch ở mức khoảng 120 đến 130 USD/thùng.

Mức trần giá nói trên đã được G7, EU và Australia áp dụng từ ngày 5-2. Cũng từ ngày 5-2, châu Âu chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu tinh chế từ Nga.

Neil Atkinson, nhà phân tích kỳ cựu của IEA nói với Al Jazeera rằng lệnh trừng phạt của EU đối với các sản phẩm của Nga dường như không có tác động lớn đến giá cả, ít nhất là trong giai đoạn đầu do các công ty trên toàn thế giới đã tích trữ các sản phẩm của Nga trước khi lệnh cấm bắt đầu. Theo Atkinson, nếu tăng trưởng nhu cầu mạnh ở các nền kinh tế châu Á trong khi thiếu hụt nguồn cung, giá sẽ tăng đột biến.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.329 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.147 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.524 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.576 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.934 đồng/kg.

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

ĐỌC THÊM