Lo ngại nguồn cung thắt chặt sau quyết định giữ nguyên sản lượng cắt giảm của Saudi Arabia và Nga, giá xăng dầu quay đầu tăng tốc.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 6/11 (theo giờ Việt Nam), giao dịch ở mức 80,51 USD/thùng. Còn dầu Brent giao dịch mức 85,17 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cho biết, tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm mạnh với dầu Brent và WTI đều lao dốc hơn 6%. Đây cũng là tuần giảm thứ hai của cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này.
Lo ngại cuộc xung đột giữa Israel và Hamas sẽ làm gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông giảm bớt là yếu tố chính đẩy giá dầu liên tục trượt dốc trong tuần trước. Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm hơn 3%.
Đến phiên tiếp theo, giá dầu vẫn duy trì đà giảm, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn. Kết thúc phiên giao dịch thứ ba của tuần giá dầu đã trượt hơn 1% bởi sự mạnh lên của đồng USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao 5,25 - 5,5% nhưng để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tương lai. Chuỗi giảm giá 3 phiên liên tiếp đã bị cắt đứt ở phiên giao dịch thứ tư của tuần.
Trong phiên này, giá dầu đã tăng hơn 2 USD do khẩu vị rủi ro quay trở lại thị trường tài chính, được hỗ trợ bởi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản của Fed và Ngân hàng Trung ương Anh. Nếu đà tăng mạnh này được duy trì, giá dầu trong tuần có thể bật tăng trở lại.
Tuy nhiên, giá dầu đã không thể giữ được đà leo dốc, nhanh chóng trở lại đà lao dốc ở 3 phiên giao dịch đầu tuần. Mức giảm hơn 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần đã củng cố đà giảm của giá dầu, giúp giá dầu có thêm một tuần giảm giá. Tuần trước, tồn kho xăng, dầu của Mỹ tăng cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ giá dầu giảm tốc.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 27-10 đã tăng nhẹ 0,8 triệu thùng; tồn kho xăng tăng 0,1 triệu thùng; và tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 0,8 triệu thùng.
Cũng trong tuần này, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy trong khi hoạt động dịch vụ của nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới mở rộng với tốc độ nhanh hơn thì doanh số bán hàng lại tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 10 tháng và việc làm trì trệ khi niềm tin kinh doanh suy yếu.
Ngoài ra, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Cuối tuần, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak Nga cho biết Nga sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện bổ sung 300.000 thùng/ngày từ xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ cho đến cuối tháng 12 như đã thông báo trước đó. Reuters cũng cho biết, nguồn tin từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia khẳng định nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến hết năm.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị