Giá dầu thô ngày 6/1 tiếp đà tăng trước bối cảnh OPEC + vẫn duy trì tăng hạn ngạch lên 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 2 vì tin tưởng nhu cầu dầu vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm Omicron.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 6/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 1 được giao dịch ở mức 77,10 USD/thùng, giảm 0,75 USD/thùng, tương đương 0,96%
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 2 được giao dịch ở mức 80,80 USD/thùng, tăng 1%, tăng 0,80 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay đảo chiều, giữ hai màu xanh đỏ, khác hẳn so với đà tăng của phiên giao dịch ngày 5/1. Cụ thể, đầu phiên 5/1, giá dầu tăng 1%, dầu thô Brent được giao dịch ở mức mức cao nhất 80 USD/thùng, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) phát tín hiệu tin tưởng vào nhu cầu dầu thông qua làn sóng Omicron và nhắc lại quan điểm rằng tác động của biến thể này đối với mức tiêu thụ nhiên liệu có thể sẽ “nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn”.
Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (5/1), tiếp đà tăng ngay cả khi các nhà sản xuất OPEC+ bám theo kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 2 và tồn kho nhiên liệu tại Mỹ tăng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu vì số ca COVID-19 leo thang.
Đà tăng chững lại vào cuối ngày sau khi biên bản họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng của thị trường. Giá dầu giảm theo xu hướng của các tài sản rủi ro khác như chứng khoán.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng, một phần nhờ các ưu đãi thuế dành cho các nhà sản xuất để giảm lượng tồn kho trước khi hết năm.
Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng hơn 10 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 4,4 triệu thùng. Các nhà phân tích cho biết nhu cầu yếu trong tuần cuối cùng của năm 2021, do sự lây lan của biến thể Omicron khiến người dân phải huỷ kế hoạch đi chơi trong kỳ nghỉ lễ.
Mỹ đã báo cáo gần 1 triệu ca nhiễm COVID-19 mới vào đầu tuần, con số hàng ngày cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và gần gấp đôi so với mức đỉnh xác lập một tuần trước đó.
Tổng sản lượng được cung cấp, một đại diện cho nhu cầu, đã giảm mạnh, mặc dù 4 tuần qua đã ghi nhận nhu cầu mạnh hơn so với cùng kỳ hai năm trước trước khi đại dịch bùng phát.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 31/12 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.550 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.295 đồng/lít; Dầu diesel không quá 17.579 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 16.518 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.740 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu mà thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 550 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 552 đồng/kg.
Đây là đợt tăng giá xăng dầu trong nước cuối cùng trong năm, sau 2 lần giảm giá liên tiếp. Tính hết năm, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần.
Bảng giá xăng dầu ngày 6/1.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường