Giá dầu thế giới hôm nay (4/8) phục hồi khi Ả Rập Xê-út và Nga tuyên bố nhằm cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 9. OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp trong hôm nay để xem xét thị trường. Tại Mỹ, thị trường lao động tiếp tục thắt chặt khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trong tháng 7.
Ảnh minh họa
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/8/2023 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 ở mức 81,26 USD/thùng, tăng 0,18 USD trong phiên và tăng 1,96 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/8.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2023 đứng ở mức 85,37 USD/thùng, tăng 0,23 USD trong phiên và tăng 2,01 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/8.
Giá dầu thế giới hôm nay (4/8) phục hồi khi Ả Rập Xê-út và Nga đã có những tuyên bố nhằm thắt chặt nguồn cung dầu vào tháng 9.
Cụ thể, Ả Rập Xê-út cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 9, đồng thời nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng có thể được kéo dài sang những tháng tiếp theo.
Sản lượng của Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ vào khoảng 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng được Nga và Ả Rập Xê-út đưa ra được cho là nhằm hạn chế nguồn cung dầu vào năm 2024, từ đó hỗ trợ giá dầu ổn định và đi lên.
Các bộ trưởng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) sẽ có cuộc họp trong hôm nay (4/8) để xem xét thị trường.
Các nhà phân tích tại ClearView Energy Partners cho biết: "Chúng tôi hy vọng cuộc họp của OPEC + sẽ dẫn đến kết luận tiếp tục cắt giảm sản lượng và giá dầu thô sẽ tiếp đà tăng trong thời gian tới".
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang lo ngại việc một số ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát dai dẳng, từ đó làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Tại Mỹ, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhẹ vào tuần trước, trong khi tỷ lệ sa thải giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng vào tháng 7 do điều kiện thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Mặc dù thị trường lao động thắt chặt, một số nhà phân tích cho biết triển vọng lạm phát sẽ tiếp tục được cải thiện.
Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại trong tháng 7 do các doanh nghiệp phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn mặc dù nhu cầu vẫn giữ nguyên cho thấy con đường dẫn đến lạm phát thấp có thể dài và chậm hơn.
Các nhà phân tích tại ING cho biết: “Các chỉ số hoạt động của ISM (Viện Quản lý Cung ứng) cho thấy ngành sản xuất đang suy thoái và sản lượng của ngành dịch vụ đang trở nên chậm chạp hơn”.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, ngân hàng trung ương cam kết hướng nhiều nguồn lực tài chính hơn tới nền kinh tế tư nhân, cho thấy sự khẩn trường của Bắc Kinh nhằm củng cố niềm tin khi động lực kinh tế suy yếu.
Tại Vương quốc Anh, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,25%. Đây là lần tăng liên tiếp thứ 14 và các chuyên gia đã cảnh báo rằng chi phí đi vay có thể sẽ ở mức cao trong thời gian tới.
Tại châu Âu , sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro trở nên tồi tệ hơn do sự sụt giảm trong sản xuất đi kèm với sự tăng trưởng chậm hơn nữa trong ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.791 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 23.963 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.612 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.270 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.531 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 1/8 của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Nguồn tin: PetroTimes