Sau khi lao dốc mạnh trong phiên 3/8, giá dầu hôm nay bất ngờ tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở châu Âu.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/8/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 90,32 USD/thùng, tăng 0,58 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 3/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã giảm tới 2,29 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 97,31 USD/thùng, tăng 0,53 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,45 USD/thùng nếu so với cùng thời điểm ngày 3/8.
Giá dầu ngày 4/8 tăng mạnh trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ được cải thiện trước tình trạng nguồn cung khí đốt ở châu Âu giảm, các kho dự trữ xuống mức thấp kỷ lục. Điều này sẽ thúc đẩy chính phủ các nước buộc phải tìm kiếm các nguồn cung năng lượng mới, trong đó có dầu thô, để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng vào mùa đông tới.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh trở lại còn do thị trường hoài nghi về khả năng thực hiện kế hoạch sản lượng của OPEC+ và mức tăng sản lượng tháng 9 cũng rất khiêm tốn so với mức tăng vào tháng 7 và 8/2022.
Thông tin về việc G7 tiếp tục xem xét khả năng chặn đường đi của dầu thô Nga cũng là một tác nhân thúc đẩy giá dầu ngày 4/8 đi lên.
Trước đó, giá dầu thô ngày 3/8 đã sụt giảm mạnh khi thị trường dấy lên nhiều lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu, trong khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung.
Kết thúc cuộc họp ngày 3/8, OPEC+ đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9/2022. Con số này thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 600.000 thùng/ngày được OPEC+ đặt ra cho tháng 7 và 8/2022.
Quyết định trên của OPEC+ đã xoá tan mọi kỳ vọng về việc nhóm có thể tăng mạnh sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu như kỳ vọng của Mỹ cũng như nhiều quốc gia đồng minh.
Cũng trong ngày 3/8, thị trường dầu thô còn ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô Mỹ bất ngờ tăng mạnh.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã bất ngờ tăng 4,467 triệu thùng, lên 426,6 triệu thùng. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng và nó cũng vượt xa con số dự báo 600.000 thùng được giới chuyên gia đưa ra trước đó.
Sản lượng các nhà máy lọc dầu ở Mỹ cũng giảm 174.000 thùng/ngày, còn công suất hoạt động thì đã sụt giảm 1,2 điểm phần trăm.
Triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục bị phủ bóng bởi sự gia tăng các lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này trong tháng 7/2022 chỉ đạt 49 điểm, thấp hơn mức 50,2 điểm của tháng 6. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Tại châu âu, theo dữ liệu từ S&P Global, PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 của tháng 6 xuống còn 49,8 vào tháng 7, ghi nhận lần đầu tiên từ tháng 6/2022 chỉ số PMI của khối xuống dưới 50 điểm.
Trước đó, GDP quý II/2022 của Mỹ cũng được ghi nhận giảm 0,9% và là quý giảm thứ 2 liên tiếp sau khi lao dốc 1,6% trong 3 tháng đầu năm 2022.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 24.629 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 25.608 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 23.908 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.533 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes