Đà tăng của giá xăng dầu vẫn được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vẫn bị thắt chặt và dự trữ dầu của Mỹ giảm sốc. Giá dầu Brent tăng vượt 85 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 3-8, giá dầu đã tăng hơn 2% khi Saudi Arabia và Nga thực hiện các bước để giữ chặt nguồn cung vào tháng 9 và có thể xa hơn.
Giá xăng dầu đang hướng tới tuần tăng thứ 6. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu thô Brent tăng 1,94 USD, tương đương 2,3%, lên mức 85,14 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,06 USD, tương đương 2,6%, lên mức 81,55 USD/thùng.
Việc thiếu các biến động giá lớn trong những tuần gần đây đã làm giảm mức độ biến động của dầu Brent trong 30 ngày. Oilprice cho biết, mức biến động của dầu Brent ở mức 25,2% khi thanh toán vào ngày 31-7, mức thấp nhất kể từ ngày 24-2-2022.
Tại các thị trường dầu mỏ khác, giá dầu diesel kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 2%, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 1-2023.
Saudi Arabia cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày tháng thứ ba liên tiếp (bao gồm cả tháng 9), đồng thời nhấn mạnh việc cắt giảm này có thể kéo dài hoặc giảm sâu hơn. Sản lượng của Saudi Arabia dự kiến sẽ khoảng 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào hôm nay để xem xét thị trường.
Giá dầu đã leo dốc bất chấp lo ngại một số ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát dai dẳng, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 29-7, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhẹ 6.000 lên mức 227.000. Mức tăng này phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế. Trong khi đó, tỉ lệ sa thải trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng do điều kiện thị trường lao động vẫn thắt chặt. Mặc dù thị trường lao động thắt chặt, một số nhà phân tích cho biết triển vọng lạm phát tiếp tục được cải thiện.
Cũng trong tháng 7, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại do các doanh nghiệp phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn mặc dù nhu cầu tiếp tục được duy trì, cho thấy con đường giảm lạm phát có thể dài và chậm. Theo Viện Quản lý cung ứng (ISM), chỉ số PMI phi sản xuất đã giảm xuống 52,7 trong tháng trước từ mức 53,9 trong tháng 6. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo PMI phi sản xuất sẽ giảm xuống 53.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng ING nhận xét, các chỉ số hoạt động của ISM cho thấy ngành sản xuất đang suy thoái.
Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra rẳng dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 17 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1982.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết hướng nhiều nguồn lực tài chính hơn tới nền kinh tế tư nhân. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh đang củng cố niềm tin khi động lực kinh tế suy yếu.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,25%. Đây là lần tăng lãi suất liên tiếp thứ 14 của ngân hàng này.
Tại châu Âu, trong tháng 7, suy thoái trong hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro trở nên tồi tệ hơn do sự sụt giảm trong sản xuất đi kèm với sự tăng trưởng chậm hơn trong ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4-8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.791 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 23.963 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.612 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.270 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.531 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân