Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch sáng nay sau khi leo dốc hơn 1% vào phiên trước nhờ triển vọng nhu cầu thúc đẩy cảm nhận trên thị trường.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,11% lên 64,56 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam) ngày 4/5. Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 0,16% lên 67,66 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h10 ngày 1/5/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 7/2021 | Tokyo | 43.900 | - | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 7/2021 | ICE | 67,66 | 0,16 | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 6/2021 | Nymex | 64,56 | 0,11 | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (3/5), nhờ số liệu kinh tế của Trung Quốc và tỷ lệ tiêm vắc xin tại Mỹ chỉ ra sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu tại hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cảnh giác trước số ca mắc COVID-19 kỷ lục ở Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ 3 thế giới, cùng với nguồn cung dầu cao hơn từ OPEC+.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,2% lên 67,56 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,4% lên 64,49 USD/thùng.
Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Khoảng một phần ba người dân Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, số liệu theo dõi virus COVID-19 của Reuters cho biết.
Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu dầu thô trung bình của Trung Quốc đạt kỷ lục theo mùa trong tháng 2 và tháng 3 nhờ doanh số bán ô tô tăng, sự phục hồi của du lịch địa phương và bối cảnh ngành công nghiệp mạnh mẽ, theo BofA Global Research.
Mặc dù vậy, các phần khác trên thế giới như Ấn Độ đang chứng kiến các ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Hôm 3/5, Ấn Độ đã báo cáo hơn 300.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày thứ 12 liên tiếp. Làn sóng lây lan mới đã khiến doanh số bán nhiên liệu của nước này giảm trong tháng 4.
Giá dầu Brent đã tăng gần 30% trong năm nay, phục hồi từ mức thấp lịch sử của năm ngoái nhờ thoả thuận giảm nguồn cung kỷ lục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này, được gọi là OPEC+.
Tuy nhiên, OPEC+ vào tuần trước đã quyết định tuân theo kế hoạch tăng nhẹ nguồn cung từ ngày 1/5 và sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng 4, dẫn đầu bởi sự thúc đẩy từ Iran, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.
Việc Tehran và các cường quốc trên thế giới đang tổ chức các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể bổ sung vào nguồn cung dầu toàn cầu nếu các bên đạt được một thỏa thuận.
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran hôm 1/5 cho biết Tehran hy vọng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu mỏ, ngân hàng và hầu hết cá nhân và tổ chức sẽ được dỡ bỏ.
Chiều ngày 27/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu | Thay đổi | Không cao hơn |
---|---|---|
Xăng E5RON92 | +182 đồng/lít | 17.988 đồng/lít |
Xăng RON95-III | +191 đồng/lít | 19.161 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | +187 đồng/lít | 14.328 đồng/lít |
Dầu hỏa | +432 đồng/lít | 13.259 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | +336 đồng/kg | 14.023 đồng/kg |
Mức giá này chính thức có hiệu lực từ 15h ngày 27/4.
Trong kỳ điều hành lần này, Liên Bộ không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả các loại xăng dầu.
Nguồn tin: Vietnambiz