Giá xăng dầu hôm nay 4/5, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, giá dầu giảm 4%, kéo dài đà giảm sâu từ phiên trước đó sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và khi các nhà đầu tư lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng.
Giá xăng dầu hôm nay 4/5
Reuters đưa tin, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, giá dầu giảm 4%, kéo dài đà giảm sâu từ phiên trước đó sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và khi các nhà đầu tư lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng.
Giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 2,99 USD, tương đương 4%, xuống mức 72,33 USD/thùng - mức đóng cửa thấp nhất của mặt hàng dầu chuẩn toàn cầu này kể từ tháng 12/2021. Đáng chú ý, trong phiên, giá dầu Brent chạm mức thấp nhất 71,7 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 20/3.
Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 3,06 USD, tương đương 4,3%, xuống mức 68,6 USD/thùng. Mức thấp nhất trong phiên của WTI là 67,95 USD/thùng - thấp nhất kể từ ngày 24/3.
Ở ngay phiên trước đó, cả hai điểm chuẩn đã giảm 5% - mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 1 bởi lo ngại khả năng vỡ nợ của Mỹ cùng lãi suất tăng.
Chiều 3/5, Fed đã tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm, gây áp lực lên giá dầu khi các thương nhân lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Nhưng Fed cũng báo hiệu rằng họ có thể tạm dừng tăng lãi suất để các quan chức có thời gian đánh giá hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, giải quyết bế tắc chính trị về trần nợ của Mỹ và theo dõi lạm phát.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: "Việc Fed chuyển sang chế độ tạm dừng (tăng lãi suất) sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giá dầu". Theo Flynn, câu hỏi lớn là liệu sẽ có sự thay đổi nào nữa trong lĩnh vực ngân hàng hay không.
Giống như Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào hôm nay.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng 1,7 triệu thùng vào tuần trước trong khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 1,2 triệu thùng. Mức tăng này gấp bốn lần so với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đó một ngày rằng dự trữ xăng tăng 400.000 thùng.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston nhận xét, “điều đáng chú ý nhất là nhu cầu xăng đã tăng trở lại mà chúng ta đã thấy trong những tuần trước".
Ngược với sự tăng trong dự trữ xăng, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 1,3 triệu thùng.
Tại Trung Quốc, dữ liệu cuối tuần qua cho thấy hoạt động sản xuất tháng 4 của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và là người mua dầu thô hàng đầu thế giới bất ngờ giảm. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất trong tháng tư là 49,2, giảm so với mức 51,9 trong tháng 3, dưới mốc 50 điểm phân tách hoạt động mở rộng và thu hẹp hoạt động hàng tháng.
Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent xuống 75 USD/thùng vào cuối năm nay. Trong một lưu ý của mình, ngân hàng này cho biết, “rủi ro giảm đối với nguồn cung của Nga và rủi ro tăng đối với nhu cầu của Trung Quốc phần lớn đã hết và triển vọng thắt chặt trong hai tháng cuối năm đã suy yếu”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán các loại xăng dầu từ 15h hôm nay (4/5) sẽ được áp dụng theo mức giá mới. Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng giảm mạnh theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Theo đó, giá xăng có thể giảm khoảng 1.000-1.200 đồng/lít, giá dầu có khả năng giảm khoảng 810-1.100 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cụ thể còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 11 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam