Giá xăng dầu hôm nay 4/4: WTI ngưỡng 98,53 USD/thùng, dầu Brent 103,70 USD/thùng.
Cập nhật giá xăng dầu đầu phiên sáng 4/4/2022 với những thông tin mới nhất
Dầu tiếp tục giảm sau khi thị trường dầu thô chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, do diễn biến các căng thẳng địa chính trị.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 4/4/2022
Phiên giao dịch sáng nay, (4/4, giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục giảm do liên tiếp gặp sức ép từ đầu tuần khi Trung Quốc phong tỏa thành phố 26 triệu dân là Thượng Hải để kiểm soát dịch Covid-19.
Cụ thể, dầu WTI giảm 0,74 USD/thùng tương ứng 0,75% xuống mức 98,53 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,69 USD/thùng tương ứng 0,66% xuống mức 103,70 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu giảm ngay đầu tuần này sau khi ghi nhận tuần giảm giá lớn nhất trong gần 2 năm vào tuần trước, sau một loạt các thông tin tiêu cực cho thị trường. Cụ thể, tuần kết thúc ngày 1/4, giá dầu thô WTI giảm 12.84% xuống 99,27 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 11,06% xuống 104,39 USD/thùng.
Bắt đầu phiên giao dịch tuần này (ngày 4/4), thông tin có tác động lớn lên thị trường chính là diễn biến các căng thẳng địa chính trị. Tại Trung đông, phiến quân Houthi và Saudi Arabia đã cho biết sẽ đình chiến trong vòng 2 tháng, có thể phần nào giảm bớt các biến động trên thị trường năng lượng.
Trong khi đó, Nga và Ukraine đều đã nêu điều kiện để tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống các bên, tuy nhiên các tranh chấp thực tế vẫn chưa có dấu hiệu nhanh chóng kết thúc. Và với lo ngại về nhu cầu đi lại sụt giảm tại Trung Quốc, giá dầu WTI có thể sẽ chưa thể lấy lại mốc 100 USD/thùng trong tuần này.
Hiện, theo dự kiến, ngày mai 5/4, Thượng Hải sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch, tuy nhiên số ca nhiễm liên tục tăng mạnh, khác hẳn với tình hình ở Thâm Quyến, đang tạo ra khả năng khu vực này sẽ phải tiếp tục duy trì tình trạng đóng cửa.
Tình hình lây lan dịch Covid-19 nói chung khiến cho Bộ Giao thông nước này dự kiến lưu lượng giao thông đường bộ và số chuyến bay sẽ giảm lần lượt 20% và 55% trong 3 ngày nghỉ lễ Thanh minh (kết thúc vào 5/4).
Thông tin này sẽ là yếu tố tiếp tục gây sức ép lên giá dầu trong tuần này.
Trong khi đó, việc Mỹ tuyên bố mở kho dự trữ chiến lược với lượng lớn 180 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, cũng là nhân tố rất lớn khiến giá dầu đi xuống.
Như vậy chỉ từ tháng 11/2022, Mỹ đã tuyên bố giải phóng dầu 3 lần. Mặc dù chưa có thông tin cụ thể, tuy nhiên các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng sẽ phối hợp với các đợt giải phóng dầu của Mỹ.
Dù vậy, số dầu được giải phóng ở mức 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn sản lượng dầu thiếu hụt từ Nga. Đặc biệt, các nhà sản xuất dầu tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu muốn tăng sản lượng một cách có ý nghĩa.
Trong tuần vừa rồi, theo số liệu của công ty cung cấp dịch vụ Baker Hughes, giàn khoan dầu khí trong tuần vừa rồi chỉ tăng 3 chiếc lên 613.
Trong bối cảnh đó, nguồn cung “giải cứu” thực sự thị trường có thể sẽ đến từ phía Iran.
Bộ trưởng Dầu mỏ nước này cho biết, sản lượng dầu và khí tự nhiên ngưng tụ đã tăng lên hơn 3,8 triệu thùng/ngày, tiệm cận mức trước thời điểm Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận nước này năm 2018.
Nếu Tehran và Washington có thể nối lại các vòng đàm phán, dầu thô của Iran có thể nhanh chóng giảm áp lực cho các khách hàng quốc tế cũ, đặc biệt là phía nước châu Á.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay thế nào?
Giá bán các loại xăng dầu trong nước hôm nay áp dụng mức được điều chỉnh từ 0h00 ngày 1/4/2022.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 1.021 đồng/lít so với giá hiện hành, xăng RON 95 giảm 1.039 đồng/lít so với giá bán hiện hành.
Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 không cao hơn 27.309 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 28.153 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu diesel 0.05S tăng 1.447 đồng/lít, lên mức 25,080 đồng/lít; Dầu hoả tăng 1.519 đồng/lít lên mức 23,764 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 506 đồng/kg lên mức 20.929 đồng/kg.
Nguồn tin: Giao thông