Giá dầu thô thế giới quay đầu tăng vọt gần 3% sau khi thông tin tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng mạnh và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn thế giới có thể không tăng sản lượng.
Sáng 4.3, các hợp đồng dầu thô đi ngang sau khi dầu Brent cộng 2,8% lên gần 64,5 USD/thùng, dầu WTI cộng 2,56% lên 61,28 USD/thùng kết thúc phiên khuya 3.3.
Tuy nhiên, giá dầu thô có xu hướng chững lại hoặc giảm nhẹ do áp lực nhu cầu tiêu thụ chậm. Ngày 3.3, báo cáo hàng tuần từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng thêm 21,6 triệu thùng, lên đến mức cao kỷ lục 484,6 triệu thùng. Công suất lọc dầu đã giảm xuống chỉ còn 56%, cũng là mức thấp nhất trong lịch sử.
Đặc biệt, các nhà máy lọc dầu bên bờ Vịnh Mexico chỉ hoạt động gần 41% công suất, mức thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) lùi cuộc họp dự kiến hôm nay sang cuối tuần này từ 5 - 6.3. Khuyến nghị của nhóm vẫn là tiếp tục xem xét giảm sản lượng từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay nhằm bù đắp cho sự sụt giảm bởi vi rút corona, thay vì nới lỏng sản lượng như một số dự báo trước đó. Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh sự “lạc quan trong thận trọng” khi đề cập đến giá dầu trong thời gian tới.
Ở trong nước, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối ngày 2.3, đại diện Bộ Công thương tuy nhận định việc giá dầu thế giới tăng là “điều bình thường” trong bối cảnh hiện nay song cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi giá dầu thô thế giới tăng sẽ kéo theo giá thành phẩm các mặt hàng sản xuất khác tăng. Doanh nghiệp cần chủ động trong nhập khẩu nguyên liệu để việc sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trước đó, một số chuyên gia trên Financial Time đưa ra nhận định giá nguyên liệu thô toàn cầu đang đứng trước chu kỳ tăng giá dài hạn như vào những giai đoạn năm 2000 hoặc xa hơn vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước.
Ngày 4.3, theo giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 17.031 đồng/lít; xăng RON95 18.084 đồng/lít; dầu diesel 13.843 đồng/lít; dầu hỏa 12.610 đồng/lít; dầu mazut 13.127 đồng/kg…
Nguồn tin: Thanh niên