Giá dầu thế giới hôm nay (31/7) khởi đầu tuần ở mức ổn định, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng trong khi giá dầu Brent giảm nhẹ.
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 31/7/2023 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 ở mức 80,6 USD/thùng, giảm 0,12 USD trong phiên và tăng 0,36 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 30/7.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2023 đứng ở mức 84,27 USD/thùng, giảm 0,14 USD trong phiên giảm 0,23 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 30/7.
Giá dầu thế giới hôm nay (31/7) khởi đầu tuần ở mức ổn định, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng trong khi giá dầu Brent giảm nhẹ.
Các chuyên gia cho biết, giá dầu toàn cầu đã tăng hơn 16% kể từ cuối tháng 6 đến nay, đây là đợt tăng dài nhất kể từ trước cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm đảo lộn thị trường năng lượng.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã bao trùm trong nhiều tháng và sự phục hồi kinh tế mờ nhạt ở Trung Quốc đã làm giảm triển vọng nhu cầu năng lượng.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng trong năm nay. Tuy nhiên, sản lượng dầu toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1,5 triệu thùng/ngày lên 101,5 triệu thùng.
Tình trạng nguồn cung dầu thắt chặt đã trở nên trầm trọng hơn do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất nhỏ hơn khác đã cam kết sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm để đáp ứng với mức cắt giảm gần 38%. Đây được coi là động thái hỗ trợ giá khi giá dầu thô đã giảm từ mức cao nhất vào năm ngoái.
Giovanni Staunovo, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư UBS cho biết: “Việc dầu thô tăng giá gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của OPEC+ được công bố vào tháng 4. Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung được công bố bởi Ả Rập Xê-út vào tháng 9 sẽ thắt chặt hơn nữa thị trường dầu mỏ.
Ả Rập Xê-út cho biết việc cắt giảm sản lượng sẽ làm giảm tổng sản lượng dầu của nước này xuống còn 9 triệu thùng/ngày.
Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics chia sẻ rằng ông kỳ vọng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chuyển từ mức dư cung 800.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm sang mức thâm hụt 1,2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm.
Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bất chấp những cảnh báo về sự suy thoái mặc dù lạm phát vẫn cao cùng với những đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Các nhà giao dịch dầu mỏ đang đặt cược rằng các nền kinh tế có khả năng phục hồi sẽ chuyển thành nhu cầu mạnh mẽ và với lãi suất gần đạt mức cao nhất, triển vọng tăng trưởng có thể được cải thiện.
Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,4% trong quý II. Đó là tốc độ nhanh hơn so với ba tháng đầu năm và cũng cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế về mức tăng trưởng 1,8%.
20 quốc gia dùng chung đồng tiền chung euro đã rơi vào suy thoái vào đầu năm nay, nhưng dữ liệu từ Pháp, Tây Ban Nha và Đức cho thấy điều đó có thể đã kết thúc.
Các nhà kinh tế tại Berenberg cho biết: “Nền kinh tế khu vực đồng euro có thể đã tăng trưởng nhanh hơn một chút trong quý 2 năm 2023 so với mức tăng 0,1% (theo quý) mà chúng tôi đã dự đoán trước đây”.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.639 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.792 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.500 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.189 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.725 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 1/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Nguồn tin: PetroTimes