Dịch Covid-19 tái bùng phát và lan rộng, đặc biệt tại Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô, qua đó khiến giá xăng dầu hôm nay mất đà tăng, quay đầu giảm mạnh.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 30/7, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 đứng ở mức 72,36 USD/thùng, giảm 0,26 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 73,85 USD/thùng, giảm 0,25 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 30/7 giảm manh khi lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô gia tăng trước diễn biến ngày càng lan rộng và bùng phát của dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại nhiều quốc gia.
Trung Quốc, sau thời gian dài không có ca nhiễm nhiễm mới, đang xuất hiện một đợt lây lan Covid-19 rộng nhất sau Vũ Hán. Đợt bùng phát dịch Covid-19 này đang diễn được xác định bắt đầu từ ngày 20/7, tại sân bay Lộc Khẩu ở TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô và đang lan sang Bắc Kinh và 5 tỉnh khác.
Nhưng khác với đợt bùng phát trước chỉ diễn ra trong nước trước đây chỉ giới hạn ở một hoặc vài thành phố lân cận, đợt bùng phát này ở Trung Quốc lại diễn ra tại một sân bay quốc tế đông đúc nên nguy cơ lây lan ở diện rộng là rất lớn.
Ở Mỹ, trước diễn biến của dịch Covid-19, Mỹ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với một số quốc gia châu Âu.
Còn tại châu Âu, diễn biến của dịch Covid-19 đang đặt nỗ lực tái mở cửa trở lại nền kinh tế của một loạt các quốc gia như Anh, Pháp, Hà Lan, Hy Lạp, Ý… trước những thử thách lớn.
Giá dầu ngày 30/7 giảm mạnh còn do thị trường chuẩn bị đón thêm nguồn cung 400.000 thùng/ngày từ OPEC+ bắt đầu từ ngày 1/8.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu hôm nay cũng bị hạn chế bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ dầu thô của nền kinh tế Mỹ.
Theo ghi nhận, giá dầu ngày 29/7 có xu hướng tăng mạnh sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy dầu tồn kho của Mỹ giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến 23/7 do nhập khẩu giảm và sản lượng dầu đi xuống.
Sau thông tin trên, ngân hàng ANZ cho biết, dữ liệu trên cho thấy dịch Covid-19 đang ít ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân Mỹ hơn dự báo.
Trước đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/7 đã giảm mạnh, cao hơn nhiều con số dự báo được đưa ra trước đó.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp quan trọng của FED, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, FED vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất trong phạm vi mục tiêu từ 0 – 0,25%, đồng thời tiếp tục chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu/tháng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Theo ông Powell, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi bất chấp những lo ngại về dịch bệnh nhưng còn xa “sự cải thiện đáng kể”. Những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa hoàn toàn.
Biến chủng Delta sẽ tạo những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ nhưng không qua lớn và không đủ để tạo rào cản kinh tế Mỹ phục hồi.
“Chúng ta không đạt được tiến bộ đáng kể nào nữa. Cuộc họp này là lần đi sâu đầu tiên về thời gian, tốc độ và thành phần mua tài sản, nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Chúng tôi đang đạt được tiến bộ. Và chúng tôi hy vọng rằng nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp… và khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình, thì chúng tôi sẽ giảm dần ở thời điểm đó”, ông Powell cho biết.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.375 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.398 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn 15.522 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes