Bức tranh kinh tế toàn cầu đang ngày càng u ám, trong khi sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga không đạt mục tiêu cắt giảm như cam kết với OPEC+ đã kéo giá xăng dầu hôm nay giảm mạnh.
Ảnh minh hoạ
Tính đến đầu giờ sáng ngày 3/8, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2020 đứng ở mức 39,94 USD/thùng, giảm 0,33 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2020 đứng ở mức 43,25 USD/thùng, giảm 0,27 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 3/8 giảm mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận thông tin tiêu cực ở cả 2 phía cung và cầu.
Về phía cung, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng tại nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Pháp… đang khiến triển vọng cải thiện nhu cầu dầu trở lên u ám hơn bao giờ hết.
Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP của Mỹ quý II đã sụt giảm gần 33%, mức giảom theo quý mạnh nhất kể từ năm 1947. Nguyên nhân được cho sự sụt giảm này được chỉ ra là do chi tiêu cho tiêu dùng trong nền kinh tế giảm mạnh vì Covid-19.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần qua cũng lên tới 1,47 triệu người.
Trong diễn biến khác, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 31/7 cho hay, trong quý II/2020, Kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Trong đó, Đức thông báo GDP sụt 10,1%, trong khi GDP của Pháp sụt giảm 13,8%, GDP của Italy giảm 12,4%, GDP của Bồ Đào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha – một trong số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh – ghi nhận GDP giảm tới 18,5%.
Khi mà nhu cầu dầu trên thị trường còn yếu ớt, chưa thể phục hồi như kỳ vọng thì nguồn cung dầu trên thị trường lại có nguy cơ gia tăng mạnh. Cụ thể, theo hãng tin Interfax, sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga trong tháng 7/2020 đã tăng lên 9,37 triệu thùng/ngày so với mức 9,32 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020.
Trước đó, theo thoả thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước sản xuất liên minh (OPEC+), Nga cam kết cắt giảm sản lượng xuống 8,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 5 – 7/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu thô những phiên gần đây đang chịu sức ép giảm giá lớn khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Tính đến đầu giờ sáng 3/8, thế giới ghi nhận hơn 18,2 triệu ca nCoV và hơn 692.000 người chết, nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai.
Nguồn tin: petrotimes.vn