Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ và lo ngại Fed tăng lãi suất mạnh giảm bớt đã hỗ trợ đà tăng của giá xăng dầu. Giá dầu Brent tiến sát mức 85 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Giá dầu đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch khá biến động ngày 2-3. Sự leo dốc của giá dầu được thúc đẩy bởi các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc và lo ngại giảm bớt về các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ.
Giá xằng dầu đang trải nghiệm một tuần tăng giá. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 44 cent, tương đương 0,5%, lên mức 84,75 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 47 cent, tương đương 0,6%, lên mức 78,16 USD/thùng.
Theo Reuters, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 2 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Điều này càng củng cố thêm bằng chứng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát dịch Covid-19.
Dữ liệu cho thấy, nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này do các nhà máy lọc dầu đang tận dụng lợi thế giá rẻ.
Cũng hỗ trợ giá dầu leo dốc là nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Atlanta, Raphael Bostic. Theo vị chủ tịch này, Fed nên duy trì mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi bài phát biểu của Fed, nhưng những bình luận của Bostic dường như giúp ích cho giá dầu”.
Nhận xét này của ông Bostic đã xoa dịu những lo ngại đã dấy lên trước đó khi dữ liệu thất nghiệp mạnh mẽ của Mỹ khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng tăng lãi suất nhanh hơn và lớn hơn.
Kỳ vọng ngày càng tăng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất sau khi giá tiêu dùng ở Pháp, Tây Ban Nha và Đức tăng nhanh hơn dự kiến đã khiến giá dầu không thể tăng cao hơn.
Theo nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil, “Lo lắng lạm phát tái xuất hiện đã góp phần làm tâm trạng trở nên tồi tệ”. Varga cho biết, lo lắng lạm phát dai dẳng sẽ đóng vai trò như cái phanh trước một đợt tăng giá kéo dài trong tương lai gần.
Lạm phát tại khu vực đồng Euro đã tăng trong tháng 2 lên mức cao hơn dự kiến hàng năm là 8,5%, theo ước tính ban đầu từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU).
Biên bản của ECB ngày 2-3 cho thấy Ngân hàng Trung ương ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra sau hai tuần nữa.
Trong khi đó, dự trữ dầu của Mỹ tăng tuần thứ 10 liên tiếp cũng gây áp lực lên thị trường khiến giá dầu không thể bật tăng mạnh.
Giá dầu cũng bị áp lực bởi đồng USD mạnh lên sau dữ liệu thị trường việc làm mạnh mẽ ở Mỹ. Với các dữ liệu khác cho thấy chi phí lao động ngày càng tăng, các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates cho biết khả năng tăng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì sức mạnh của đồng USD như một công cụ hạn chế dầu tăng giá.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 3-3 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.421 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 23.325 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.255 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.474 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.555 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 2-3. Theo điều chỉnh, giá xăng giảm hơn 100 đồng/lít còn giá dầu giảm hơn 300 đồng/lít, duy có giá dầu mazut tăng 304 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON92, nhưng trích lập 200 đồng/lít với xăng RON95, trích lập 500 đồng/lít với dầu diesel.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân