Giá xăng dầu đã đảo chiều lao dốc nhẹ sau khi vượt dốc gần 2 USD. Giá dầu WTI giảm dần về mốc 69 USD/thùng, dầu Brent chững ở mức 74,03 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28-6, giá dầu đã tăng khoảng 3%. Theo Reuters, sự đảo chiều tăng vọt của giá dầu sau cú lao dốc hơn 2 USD ở phiên giao dịch trước đó là bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp bù đắp cho những lo ngại rằng việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu toàn cầu.
Giá xăng dầu giảm nhẹ đầu phiên giao dịch ngày 29-6. Ảnh minh họa: Foxbusiness
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau tăng 1,77 USD, tương đương 2,5%, lên mức 74,03 USD/thùng, trong khi đó giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,86 USD, tương đương 2,8%, lên mức 69,56 USD/thùng.
Ngày 28-6, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23-6 giảm 9,6 triệu thùng, vượt xa mức giảm 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters và cũng lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,8 triệu thùng cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này cũng vượt quá mức trung bình trong 5 năm, từ 2018-2022.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận xét: "Nhìn chung, những con số này ngược với những gì mà nhiều người cho rằng thị trường đang dư cung. Báo cáo này có thể là mức đáy (đối với giá dầu)".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng rằng việc tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Reuters cho biết, lãnh đạo các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã tái khẳng định rằng sự cần thắt chặt chính sách hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Powell không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong các cuộc họp liên tiếp của Fed trong khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde xác nhận kỳ vọng ngân hàng sẽ tăng lãi suất vào tháng 7, gọi động thái này "có thể xảy ra".
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates cho biết, sự bù hoãn bán trong 12 tháng đối với hai mặt hàng dầu Brent và WTI - động lực định giá cho thấy nhu cầu giao ngay cao hơn - đều đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12-2022, điều này cho thấy "lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung giảm”.
Một số nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm, với lý do cắt giảm nguồn cung liên tục của OPEC+ và việc Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Giá xăng dầu tiếp tục biến động. Ảnh: Oilprice
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, lợi nhuận hằng năm tại các công ty công nghiệp đã kéo dài mức giảm hai con số trong năm tháng đầu năm do nhu cầu giảm, củng cố hy vọng có thêm chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế đang chững lại sau Covid.
Dữ liệu từ Cục thống kê quốc gia (NBS) cho thấy trong năm tháng đầu năm, lợi nhuận đã sụt giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng trong tháng 5, lợi nhuận giảm 12,6%, thu hẹp mức giảm 18,2% trong tháng 4. Cũng theo NBS, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao mới là 20,8%.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 29-6 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.174 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 17.956 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 14.587 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân