Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi tăng phiên thứ 5 liên tiếp vào hôm trước với giá dầu thô Brent lên cao nhất kẻ từ tháng 10/2018 và hướng tới mốc 80 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,08% xuống 75,39 USD/thùng vào lúc 6h37 (giờ Việt Nam) ngày 28/9. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 0,01% lên 78,62 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 6h40 ngày 28/9/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 1/2022 | Tokyo | 51.290 | - | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 12/2021 | ICE | 78,62 | 0,01 | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 11/2021 | Nymex | 75,39 | (0,08) | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô tăng phiên thứ 5 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (27/9), với giá dầu thô Brent lên cao nhất kẻ từ tháng 10/2018 và hướng tới mốc 80 USD/thùng, vì các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung ngày càng thắt chặt khi nhu cầu gia tăng tại nhiều phần trên thế giới.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,8%, lên 79,47 USD/thùng, sau ba tuần tăng liên tiếp. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 2%, lên 75,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7, sau khi tăng tuần thứ năm liên tiếp.
Goldman Sachs đã nâng dự báo cuối năm đối với dầu thô Brent lên 90 USD/thùng, tăng 10 USD so với trước đó. Nguồn cung toàn cầu đã thắt chặt do nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh chóng từ sự bùng phát của biến thể Delta và cơn bão Ida ảnh hưởng đến sản xuất tại Mỹ.
"Trong khi chúng tôi từ lâu đã giữ quan điểm tích cực đối với thị trường dầu, thâm hụt nguồn cung toàn cầu hiện tại lớn hơn những gì chúng tôi dự đoán, với sự phục hồi nhu cầu thế giới từ tác động của biến thể Delta thậm chí còn nhanh hơn dự báo của chúng tôi, trong khi nguồn cung toàn cầu vẫn dưới mức dự đoán", Goldman Sachs cho hay.
Với nhu cầu phục hồi trở lại, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng do tình trạng thiếu đầu tư hoặc công việc bảo trì bị trì hoán kéo dài do đại dịch.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại Rystad, nhận định sự gia tăng của giá dầu đang vượt quá những gì mà các nhà giao dịch lạc quan chỉ có thể mơ ước vài tháng trước đây và việc dầu Brent hướng tới ngưỡng 80 USD/thùng phản ánh tình trạng thắt chặt bất thường của thị trường dầu thô.
"Những hạn chế về nguồn cung tại Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng giá, vì tình trạng ngừng hoạt động liên quan đến cơn bão Ida vẫn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2022", ông Dickson nói thêm.
Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch vào đầu năm sau khi nền kinh tế phục hồi, mặc dù công suất lọc dầu dự phòng có thể ảnh hưởng đến triển vọng, các nhà sản xuất và kinh doanh cho biết tại một hội nghị chuyên ngành.
Chủ tịch của Hess Corp, ông Greg Hill cho biết nhu cầu toàn cầu sẽ tăng lên 100 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2021 hoặc trong quý I/2022.
Theo Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đã tiêu thụ 99,7 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 tác động đến các hoạt động kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Chiều ngày 25/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu. Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu | Thay đổi | Giá không cao hơn |
Xăng E5RON92 | + 573 đồng/lít | 20.716 đồng/lít |
Xăng RON95-III | + 548 đồng/lít | 21.945 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | + 564 đồng/lít | 16.586 đồng/lít |
Dầu hỏa | + 561 đồng/lít | 15.643 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | + 628 đồng/lít | 16.580 đồng/lít |
Mức giá trên chính thức có hiệu lực từ 15h ngày 25/9.
Nguồn tin: Vietnambiz