Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu hôm nay (28-6): Tăng nhẹ

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp tục đẩy giá dầu leo dốc. Giá dầu WTI nhích nhẹ lên gần 110, dầu Brent “neo” ở 115,1 USD/thùng.

Giá xăng dầu thế giới

Theo Reuters, giá “vàng đen” đã tăng 2 USD kết thúc phiên giao dịch ngày 27-6 do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn nữa sau khi các nước G7 hứa sẽ tăng sức ép lên Nga bằng cách hạ giá năng lượng.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 1,97 USD, tương đương 1,74%, lên mức 115,1 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ đóng cửa ở mức tăng 1,95 USD, tương đương 1,8%, lên 109,57 USD/thùng.

Các nhà lãnh đạo G7 đã đề xuất mức giá trần có thể đối với dầu nhập khẩu của Nga. Đây được coi là một phần của các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào tài chính của Moscow.

Chuyên gia tư vấn dầu Andrew Lipow nhận xét khó có thể hình dung các nước G7 sẽ thực hiện mức trần mua và bán dầu của Nga như thế nào, đặc biệt là khi Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng lớn nhất của Nga.

Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia lưu ý rằng không có gì để ngăn cản Nga cấm xuất khẩu dầu và sản phẩm tinh chế sang các nền kinh tế G7 để đối phó với mức trần giá. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường dầu và sản phẩm tinh chế toàn cầu.

Để giảm bớt nguồn cung năng lượng eo hẹp, theo một quan chức của Pháp, cần có các cuộc đàm phán với các quốc gia sản xuất như Iran và Venezuela. Hiện xuất khẩu dầu của cả hai thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước khi “bỏ túi” 2 USD, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn Brent và WTI đều chịu mức lỗ. Đặc biệt, trong tuần trước, hai mặt hàng này đã có thêm một tuần giảm giá, bị tác động bởi việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế chủ chốt của thế giới làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Những lo ngại về suy thoái và kỳ vọng về việc tăng lãi suất nhiều hơn đã gây ra sự biến động và lo ngại rủi ro trên thị trường kỳ hạn. Một số nhà đầu tư và thương nhân năng lượng đã buộc phải rút lui, trong khi giá dầu thô giao ngay vẫn tăng mạnh do nhu cầu cao và sự suy giảm nguồn cung.

Hiện tại, những lo lắng về nguồn cung cấp bách vượt trội hơn những lo ngại về tăng trưởng.

Dự kiến, các thành viên của OPEC và các đồng minh (OPEC+) có thể sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng 8 lên 648.000 thùng/ngày tại lần nhóm họp vào ngày 30-6.

Nhóm sản xuất cũng cắt giảm thặng dư thị trường dầu dự kiến cho năm nay xuống 1 triệu thùng/ngày, giảm so với 1,4 triệu thùng/ngày trước đó, theo một báo cáo của Reuters.

Cũng liên quan đến nguồn cung, Libya, một thành viên của OPEC, ngày 27-6 cho biết nước này có thể phải tạm dừng xuất khẩu ở khu vực vịnh Sirte trong vòng 72 giờ trong bối cảnh tình hình bất ổn khiến sản lượng bị hạn chế.

Thêm vào những khó khăn về nguồn cung, Ecuador cũng cho biết họ có thể ngừng sản xuất dầu hoàn toàn trong vòng 48 giờ trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục diễn ra.

Các nhà giao dịch cũng đang “ngóng” tin tức về tồn kho dầu của chính phủ Mỹ sau trì hoãn của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) từ giữa tuần trước do vấn đề kỹ thuật.

Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô, sản phẩm chưng cất và xăng của Mỹ có thể đã giảm trong tuần trước.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 28-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.873 đồng/lít; dầu diesel không quá 30.019 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.785 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.735 đồng/kg.

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

ĐỌC THÊM