Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm khi thị trường gia tăng lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tiếp tục nâng lãi suất, khiến rủi ro suy thoái lớn hơn.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm trở lại khi thị trường lo ngại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới khi lạm phát có dấu hiệu neo cao. Môi trường lãi suất cao và lạm phát dai dẳng sẽ gia tăng rủi ro đình trệ kinh tế, kéo theo đó là triển vọng kém tích cực về nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Cụ thể, vào lúc 8h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 72,44 USD/thùng, và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 67,87 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent giảm tới 2,6%; giá dầu thô WTI giảm 2,4%, kéo theo đó là sự sụt giảm giá xăng dầu các loại.
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn Oil Price)
Thị trường phản ứng tiêu cực sau khi bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ECB sẽ chưa thể sớm ngưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu kéo dài dài dẳng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Điều này cho thấy, ECB có thể sẽ duy trì mức lãi suất cao như hiện nay trong khoảng thời gian dài hơn các dự báo trước đây, hoặc thậm chí tiếp tục nâng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Vừa qua, ECB đã nâng lãi suất cơ bản lên mức 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua; trong khi đó, lạm phát tại Eurozone đang ở mức 6,1%, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB. Dưới sức ép lạm phát, Eurozone vừa qua đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật. Các hoạt động sản xuất lẫn dịch vụ tại đây đã bị thu hẹp đáng kể trong tháng 6 này.
Theo sau ECB, các ngân hàng trung ương của Anh, Thụy Điển và Na Uy cũng đồng loạt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Tại Hoa Kỳ, các dữ liệu mới nhất cho thấy niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng 6 đã lên mức cao nhất trong gần 18 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, điều này lại khiến giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ có thêm dư địa để tiếp tục nâng lãi suất trong nửa cuối năm nay.
Xét về góc độ kỹ thuật, chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết hiện giá dầu thô thế giới đang biến động trong khoảng 10 USD và bất chấp các lo ngại về suy thoái kinh tế, các ngân hàng trung ương vẫn phát tín hiệu cứng rắn đối với vấn đề lạm phát. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng giá xăng dầu trong thời gian tới.
Hiện thị trường đang chờ đợi các dữ liệu mới về lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước. Dữ liệu sơ bộ của Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho thấy tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã giảm 2,4 triệu thùng trong tuần trước và dự trữ xăng dầu giảm 2,9 triệu thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong hôm nay (theo giờ địa phương).
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu duy trì ổn định. Cụ thể, giá dầu diesel 0.05S ở mức cao không cao hơn 18.174 đồng/lít; giá dầu hỏa ở mức không cao hơn 17.956 đồng/lít; giá xăng E5RON92 ở mức không cao hơn 20.878 đồng/lít; và giá xăng RON95-III ở mức không cao hơn 22.015 đồng/lít.
Nguồn tin: Công thương