Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch sáng nay sau khi leo dốc 1% vào phiên trước nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm giảm lo ngại về khả năng nguồn cung tăng từ Iran.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,79% lên 67,38 USD/thùng vào lúc 7h05 (giờ Việt Nam) ngày 28/5. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 0,14% lên 69,35 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h20 ngày 27/5/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 7/2021 | Tokyo | 46.050 | 2,56 | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 7/2021 | ICE | 69,35 | 0,14 | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 7/2021 | Nymex | 67,38 | 0,79 | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô tăng 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (27/5) nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm giảm lo ngại về khả năng nguồn cung tăng từ Iran.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 0,9% lên 69,46 USD/thùng. Giá dầu thô TWTI của Mỹ tăng 1% lên 66,85 USD/thùng.
Báo cáo kinh tế mới của Mỹ cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.
Cùng với đó, nền kinh tế Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai kể từ quý III/2003 trong quý đầu tiên, đang gia tăng động lực với dữ liệu kinh tế khác được công bố vào thứ Năm (27/5) cho thấy chi tiêu kinh doanh cho thiết bị đã tăng nhanh trong tháng 4.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group (Chicago, Mỹ), nhận định điều này cho thấy thị trường đang quay trở lại tập trung vào cung và cầu.
Trước đó triển vọng nguồn cung của Iran gia nhập thị trường trở lại đã gây áp lực lên giá, theo Reuters.
Iran và các cường quốc trên thế giới đã đàm phán từ tháng 4 về việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, gồm cả lĩnh vực năng lượng của nước này, để đổi lại việc Iran tuân thủ các hạn chế đối với hoạt động hạt nhân.
Các cuộc đàm phán này sẽ là một chủ đề chính cho cuộc họp ngày 1/6 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+.
Các nguồn tin của OPEC cho biết nhóm các nhà sản xuất dầu lớn có khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng dần những hạn chế nguồn cung dầu tại cuộc họp vào thứ Ba tới, khi các nhà sản xuất cân bằng kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu so với khả năng tăng nguồn cung từ Iran.
Các nhà phân tích cho biết nguồn cung từ Iran sẽ tăng dần, với JP Morgan ước tính Iran có thể tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay và thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 8/2022.
Mối quan tâm của thị trường cũng vẫn hướng về nhu cầu ở Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và chỉ khoảng 3% dân số của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, theo ứng dụng theo dõi vắc xin của Reuters.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên mức giá xăng dầu hiện hành trong kỳ điều chỉnh chiều ngày 27/5.
Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu | Thay đổi | Không cao hơn |
---|---|---|
Xăng E5RON92 | 0 đồng/lít | 18.426 đồng/lít |
Xăng RON95-III | 0 đồng/lít | 19.531 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | 0 đồng/lít | 14.774 đồng/lít |
Dầu hỏa | 0 đồng/lít | 13.825 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | 0 đồng/kg | 14.279 đồng/kg |
Mức giá này chính thức có hiệu lực từ 15h ngày 27/5.
Nguồn tin: Vietnambiz