Nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái tiếp tục gia tăng áp lực lên thị trường dầu thô, qua đó khiến giá xăng dầu hôm nay giảm mạnh phiên thứ 5 liên tiếp.
Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 28/2, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2020 đứng ở mức 46,32 USD/thùng, giảm 0,77 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 27/2, giá dầu WTI giao tháng 4/2020 đã giảm 1,73 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2020 đứng ở mức 50,74 USD/thùng, giảm 0,99 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 28/2 tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh những cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng, suy thoái liên tục được phát đi.
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang đe dọa dập tắt điểm sáng lớn nhất của Mỹ, nếu không muốn nói là của cả thế giới. Đó là ví tiền của người Mỹ. Tiêu dùng sôi động là lý do duy nhất giúp Mỹ tránh suy thoái trong thời kỳ đỉnh điểm chiến tranh thương mại năm ngoái. Khi sản xuất sụp đổ, doanh nghiệp ngại chi tiêu, thì người Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm.
Nhiều nhà phân tích lo ngại nỗi lo sợ dịch bệnh tại Mỹ sẽ thay đổi điều này, tạo ra cú sốc mới với kinh tế toàn cầu và đe dọa đà tăng trưởng tại Mỹ. Dịch bệnh bùng phát đang bóp nghẹt kinh tế Hàn Quốc và Italy. Nó hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Mỹ, khiến người dân hạn chế đến nhà hàng, trung tâm mua sắm và sân bay.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, Mỹ hiện ghi nhận 60 ca nhiễm nCoV và số người nhiễm dự kiến tăng lên. CDC đang áp dụng cách tiếp cận theo hai hướng, vừa nỗ lực ngăn virus lây lan, vừa thực hiện những chiến lược nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với cộng đồng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các rủi ro từ Covid-19 đối với người Mỹ là "rất thấp" nhờ các hành động kịp thời của chính quyền.
Trump hôm qua bổ nhiệm Phó tổng thống Mike Pence phụ trách cuộc chiến chống Covid-19 ở Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng trình quốc hội kế hoạch cấp bổ sung 2,5 tỷ USD để phát triển vaccine, tăng dự trữ quốc gia và các thiết bị thiết yếu nhằm đối phó dịch bệnh, song Trump tuyên bố ông sẵn sàng chi nhiều hơn.
Dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 48 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch bệnh đến nay khiến hơn 82.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.800 người tử vong trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cho biết số ca nhiễm tại các nước trên thế giới đang tăng nhanh hơn ở Trung Quốc đại lục.
Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên hôm 20/1 với bệnh nhân là một phụ nữ đến từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm không đáng báo động cho đến ngày 18/2, khi nữ tín đồ 61 tuổi của giáo phái Tân Thiên Địa dương tính với virus này.
Australia cũng phát cảnh báo nguy cơ đại dịch nCoV. Phát biểu tại tòa nhà quốc hội ở thủ đô Canberra ngày 27/2, Thủ tướng Morrison cho biết "mọi dấu hiệu" đều cho thấy Covid-19 sẽ trở thành đại dịch và nguy cơ đối với Australia đang rất gần. Ông tuyên bố Australia bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm hạn chế tác động của nCoV.
Trong diễn biến mới nhất, bà Masoumeh Ebtekar, Phó tổng thống phụ trách vấn đề phụ nữ và gia đình của Iran, được xác nhận dương tính với nCoV.
Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích của công ty Fujitomi Co, còn nhận định nếu COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu tại Mỹ, giá dầu có thể sẽ còn giảm nữa, đặc biệt là khi giá xăng ở Mỹ đã giảm mạnh.
Hiện thị trường đang chờ quyết định của OPEC+ về vấn đề cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6/3 tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nều dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến tiêu cực, khả năng “gượng dậy” của giá dầu là rất khó.
Nguồn tin: petrotimes.vn