Thông tin Mỹ chưa thông qua Dự luật cứu trợ Covid-19 và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 những ngày cuối năm khiến giá xăng dầu thế giới tiếp tục sụt giảm mạnh.
Ngày 28.12, các hợp đồng dầu thô lùi hơn 0,5%. Dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 2.2021 giao dịch dưới ngưỡng 48 USD/thùng. Dầu Brent hợp đồng giao tháng 2 cũng giao dịch ở ngưỡng 51 USD/thùng.
Giá dầu ngày đầu tuần cuối cùng của năm 2020 giảm mạnh do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế số 1 thế giới khó phục hồi khi Tổng thống Donald Trump chưa ký thông qua Dự luật cứu trợ Covid-19. Mỹ hiện cũng là một trong số ít nền kinh tế tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới. Ngoài ra, nhiều dự báo cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu khó được cải thiện khi dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường. Biến thể mới chủng Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế ở châu Âu bắt buộc phải đóng cửa trở lại tại nhiều nơi. Kế đó, Chính phủ Nhật Bản mới đây cũng cho tạm thời ngưng nhận công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này sau khi phát hiện biến thể mới của vi rút Covid-19.
Theo Ernst&Young, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang đối mặt với “sự không an toàn” cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Các cơ quan và tổ chức quốc tế uy tín liên tục điều chỉnh dự báo về thị trường dầu trong những tháng gần đây. Dự kiến, thị trường dầu mỏ sẽ phục hồi trong năm 2021 với tốc độ trung bình dự kiến ở mức 6 - 7% mỗi năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm 8 - 10%.
Ngày 26.12, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp. Theo đó, Liên bộ đã quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 ở mức 1.200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 350 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít… và chi trích lập quỹ xăng RON95 100 đồng/lít. Ngày 28.12, giá bán lẻ xăng dầu sau khi tăng theo niêm yết của Petrolimex với xăng E5 RON92 15.518 đồng/lít, xăng RON95 16.479 đồng/lít, dầu diesel 12.376 đồng/lít, dầu hỏa 11.188 đồng/lít…
Nguồn tin: Thanh niên