Nguồn cung thắt chặt, cùng với lãi suất cao trong thời gian dài có thể làm giảm nhu cầu nhưng giá xăng dầu vẫn duy trì được đà tăng.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 27/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 10 tăng 71 cent, tương đương 0,8%, lên mức 90,39 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 11 tăng 67 cent, tương đương 0,7%, lên mức 93,96 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cho biết, do kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt đè nặng lên triển vọng kinh tế không chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, giá dầu tăng gần 1%, lấy lại được những mất mát đầu phiên xuống mức thấp nhất trong 2 tuần.
Ngày 25/9, Nga đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel. Theo đó, việc xuất khẩu các sản phẩm này có thể được tiếp tục, trong khi dầu khí có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn và nhiên liệu dùng để tiếp nhiên liệu sẽ được miễn lệnh cấm.
Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao vẫn được áp dụng. Bên cạnh đó, nguồn cung dầu vẫn thắt chặt do Nga và Saudi Arabia kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm.
Reuters cho biết, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) những ngày gần đây đã nhắc lại cam kết chống lạm phát, báo hiệu chính sách thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài lâu hơn dự đoán trước đây. Lãi suất cao hơn làm chậm tăng trưởng kinh tế, kéo theo hệ lụy là hạn chế nhu cầu dầu mỏ.
Các sản phẩm tinh chế vẫn chịu áp lực do lo ngại giá dầu cao hơn, cùng với lãi suất cao trong thời gian dài có thể làm giảm nhu cầu. Hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên là sự tăng vọt của đồng USD.
Trong ngày 26/9, đồng USD đã đạt mức cao nhất trong 10 tháng bởi lãi suất trái phiếu cao hơn đã thu hút các nhà đầu tư hướng tới loại tiền tệ này. Đồng USD mạnh hơn thường gây áp lực lên nhu cầu dầu vì nó trở nên đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu so với đồng nội tệ của họ.
Cơ quan xếp hạng Moody's ngày 25/9 cho biết, việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ gây tổn hại đến tín dụng của nước này. Cảnh báo của Moody’s được đưa ra sau khi Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ xuống một bậc do cuộc khủng hoảng trần nợ.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng khoảng 1,6 triệu thùng, vượt xa mức giảm 300.000 thùng dự đoán của các nhà phân tích. Cũng theo API, tồn kho xăng của Mỹ giảm 70.000 thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 1,698 triệu thùng.
Mối lo ngại của các nhà đầu tư về nguồn cung thắt chặt tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma cũng thúc đẩy giá trong phiên này. Các kho dự trữ dầu thô tại Cushing đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu mạnh, gây ra lo ngại về chất lượng của lượng dầu còn lại và khả năng giảm xuống dưới mức hoạt động tối thiểu.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị