Sau cú trượt dốc gần 2 USD, giá dầu WTI đã quay đầu tăng tốc nhẹ lên gần 96, Brent vẫn “neo” ở mức 104,40 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ 10 phút ngày 27-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 95,61 USD/thùng, tăng 63 cent, tương đương 0,66%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 9 “neo” ở mức 104,40 USD/thùng.
Phiên giao dịch ngày 26-7 là một phiên giao dịch đầy biến động. Giá dầu bắt đầu phiên trong thế đối đầu với dầu WTI giảm, Brent “neo” ở mức tăng. Nhưng sau đó, những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy giá dầu thô Brent khiến mặt hàng dầu chuẩn này tăng vọt lên tới gần 107 USD/thùng.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư lo lắng về niềm tin của người tiêu dùng giảm và thông tin khoảng 20 triệu thùng dầu thô sẽ được giải phóng từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã khiến giá “vàng đen” đảo ngược đà tăng, lao dốc nhẹ. Cụ thể, dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 75 cent, tương đương 0,71%, xuống mức 104,40 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,72 USD, tương đương 1,8%, xuống mức 94,98 USD/thùng.
Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ bán thêm 20 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược như một phần của kế hoạch trước đó nhằm “hạ nhiệt” giá dầu tăng cao sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng Hai.
Hồi cuối tháng 3, chính quyền Biden cho biết sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu thô/ngày từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ trong vòng sáu tháng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết thị trường phản ứng với những thông báo giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược này và giúp mọi thứ “hạ nhiệt” ở một mức độ nào đó.
Một cuộc khảo sát của Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 đã giảm 2,7 điểm, xuống 95,7 do lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng. Điều này có thể làm giảm tiêu dùng và cũng đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế chậm hơn vào quý 3. Cũng theo khảo sát, người tiêu dùng ít lạc quan hơn về thị trường lao động.
Giá dầu đã trượt dốc sau khi tăng tốc đầu phiên bởi thông tin Nga đang thắt chặt khí đốt đối với châu Âu. Hôm thứ 2, Gazprom (GAZP.MM) cho biết nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức sẽ giảm xuống chỉ còn 20% công suất.
Ông Tamas Varga tại công ty môi giới dầu khí PVM nhận xét, thông báo này làm dấy lên lo ngại rằng Nga, mặc dù phủ nhận, sẽ không né tránh việc sử dụng năng lượng của mình như một vũ khí để đạt được nhượng bộ và có thể thành công trong ngắn hạn.
Trong khi đó, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất cho tất cả các nước EU cắt giảm sử dụng khí đốt tự nguyện 15% từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau.
Nguồn cung dầu thô, sản phẩm dầu và khí đốt của châu Âu đã bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt và tranh chấp thanh toán của phương Tây với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev ngày 24-2.
Giá nhiên liệu cao đã bắt đầu hạn chế nhu cầu, và các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất cao hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách vào hôm nay (27-7).
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC tại Galena, Illinois, cho biết sự biến động có thể sẽ tăng lên với quyết định của Fed và các bình luận liên quan.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.070 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.858 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.246 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân