Trong phiên giao dịch sáng nay, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng nhẹ nhờ rủi ro đứt gãy nguồn cung từ Nga. Hiện thị trường chờ đợi các dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc để đánh giá triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá xăng dầu thế giới vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ rủi ro đứt gãy nguồn cung nhiên liệu từ Nga sau những bất ổn giữa Chính phủ Nga với tập đoàn quân sự Wagner diễn ra cuối tuần trước tại Nga.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs hiện nhận định thị trường sẽ cần phải nâng rủi ro biến động nguồn cung nhiên liệu từ Nga lên mức cao hơn và sẵn sàng hơn cho bất kỳ biến động mạnh nào về giá xăng dầu trong tương lai.
Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 69,43 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 74,21 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 26/6, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,5% và giá dầu thô WTI tăng 0,3%.
Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây; giá xăng dầu thế giới đang chịu áp lực giảm chủ yếu từ các dữ liệu kinh tế yếu hơn kỳ vọng. (Nguồn: Oil Price)
Chuyên gia phân tích Phil Flynn thuộc hãng chứng khoán Price Futures Group cảnh báo bất ổn địa chính trị tại Nga có thể khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung thời gian tới trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là khi Saudi Arabia sẽ giảm mạnh sản lượng khai thác trong tháng 7 tới đây và số lượng các giàn khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 3,5% khi thị trường lo ngại việc nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục nâng lãi suất điều hành sẽ khiến rủi ro suy thoái ngày càng lớn hơn; đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm tốc.
Hiện giá xăng dầu trên thế giới đang bị kìm hãm chủ yếu bởi các lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu thấp hơn kỳ vọng.
Dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp lẫn dịch vụ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6/2023 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây dưới tác động của lãi suất và lạm phát cao. Đáng chú ý, Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone gần như không ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế; trong khi đó, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong toàn khu vực. Điều này phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Eurozone trong thời gian tới.
Hiện thị trường đang tập trung chờ đợi những dữ liệu mới của Trung Quốc dự kiến được công bố trong tuần này để đánh giá rõ hơn triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Saudi Arabia cũng phát tín hiệu cho biết sẵn sàng kéo dài thời gian giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ sự cân bằng cung - cầu trên thị trường. Điều này có thể sẽ giúp neo giá xăng dầu thế giới không chịu áp lực giảm quá sâu.
Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ Guyana vừa khẳng định nước này hiện không có ý định gia nhập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Được biết, OPEC đã mời Guyana tham gia một hội nghị quốc tế do OPEC chủ trì vào tháng 7 tới đây.
Guyana hiện đang nổi lên là một trong số ít những quốc gia có tiềm năng khai thác dầu lớn. Nước này bắt đầu chính thức khai thác dầu thương mại vào năm 2019. Hãng nghiên cứu thị trường năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy dự đoán sản lượng dầu của Guyana có thể đạt 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và tạo ra doanh thu 30 tỷ USD - đủ để cạnh tranh với Venezuela - nước láng giềng và thành viên sáng lập OPEC.
Hiện hàng loạt tập đoàn khai thác năng lượng lớn như ExxonMobil, Hess và CNOOC đang triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu tại Guyana.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu tiếp tục được giữ ổn định. Cụ thể, giá dầu diesel 0.05S ở mức cao không cao hơn 18.174 đồng/lít; giá dầu hỏa ở mức không cao hơn 17.956 đồng/lít; giá xăng E5RON92 ở mức không cao hơn 20.878 đồng/lít; và giá xăng RON95-III ở mức không cao hơn 22.015 đồng/lít.
Nguồn tin: Công thương