Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi tăng trong phiên trước nhờ sự lạc quan xoay quanh kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,19% lên 52,87 USD/thùng vào lúc 7h15 (giờ Việt Nam) ngày 26/1, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 3 giảm nhẹ 0,07% xuống 55,73 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h15 ngày 26/1/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 5/2021 | Tokyo | 35.440 | 0,8 | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 3/2021 | ICE | 55,73 | (0,07) | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 2/2021 | Nymex | 52,87 | 0,19 | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (25/1) nhờ sự lạc quan xoay quanh kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ và một số lo ngại về nguồn cung thúc đẩy giá dầu, tuy nhiên lo ngại về nhu cầu vì các biện pháp phong toả chống dịch COVID-19 đã kìm hãm đà tăng.
Trong một cuộc điện thoại với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ hôm Chủ Nhật (24/1), các quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng xua tan những lo ngại của Đảng Cộng hòa rằng đề xuất cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden là quá đắt đỏ.
"Tại Mỹ, Tổng thống mới nhậm chức Biden dường như đang thúc đẩy việc nhanh chóng phê duyệt gói cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD được ông đề xuất, một diễn biến được thị trường lý giải là một dấu hiệu rõ ràng rằng chính quyền mới của Mỹ đang hướng tới khởi động sự phục hồi kinh tế", ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu phòng phân tích thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, cho biết.
Ở một diễn biến khác, mức độ tuân thủ các cam kết về hạn chế sản lượng dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang đạt trung bình 85% từ đầu năm cho tới nay, công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics cho biết hôm 25/1. Điều này cho thấy nhóm đã cải thiện việc tuân thủ các cam kết hạn chế nguồn cung.
Các mối quan tâm khác về nguồn cung cũng mang tới một số hỗ trợ đối với giá dầu. Indonesia cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Iran vì nghi ngờ vận chuyển nhiên liệu bất hợp pháp, làm gia tăng căng thẳng ở Vùng Vịnh xuất khẩu dầu, theo Reuters.
Ngoài ra, sản lượng từ mỏ Tengiz khổng lồ của Kazakhstan đã bị gián đoạn do mất điện hôm 17/1.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đã áp đặt lệnh hạn chế cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong khi Trung Quốc báo cáo sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh mới, điều này dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Barclays đã nâng dự báo giá dầu năm 2021, nhưng cho biết các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc có thể góp phần vào việc giảm giá trong ngắn hạn.
Chiều ngày 11/1, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92 tăng 430 đồng/lít, không cao hơn 15.948 đồng/lít
Xăng RON95-III tăng 451 đồng/lít, không cao hơn 16.930 đồng/lít
Dầu diesel 0.05S tăng 271 đồng/lít, không cao hơn 12.647 đồng/lít
Dầu hỏa tăng 370 đồng/lít, không cao hơn 11.558 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S được giữ nguyên giá ở mức không cao hơn 12.272 đồng/kg.
Mức giá này chính thức có hiệu lực từ 15h ngày 11/1.
Nguồn tin: Vietnambiz