Lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt do căng thẳng giữa Ukraine và Nga, dầu thô sáng nay giảm nhẹ sau khi vọt hơn 2%.
Ngày 26.1, các hợp đồng dầu thô đồng loạt giảm nhẹ, tuy nhiên giá giao dịch vẫn ở mức cao. Theo đó, dầu WTI ở ngưỡng 85,2 USD/thùng, dầu Brent trên ngưỡng 88 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch khuya 25.1, dầu thô Brent tăng 2,2% lên 88,2 USD/thùng, và dầu WTI của Mỹ tăng 2,8% lên 85,6 USD.
Theo Reuters, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda, ông Edward Moya, cho biết rủi ro địa chính trị khiến giá dầu thô tăng cao hơn, vì thị trường dầu mỏ - vốn đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho thấp - rất dễ bị thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới. Mỹ cũng cho biết có thể đàm phán chuyển hướng cung cấp sang châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine.
Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã quyết định trợ cấp cho các nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này. Dự kiến 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu của Nhật sẽ được trợ cấp 5 yen (gần 1.000 đồng) cho 1 lít xăng dầu trong quý 1 năm nay. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản dành ra 80 tỉ yen (khoảng 15.900 tỉ đồng) trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2021 để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình này. Tính hết năm 2021, giá năng lượng ở nước này tăng tới 16,4% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 13 năm qua. Đáng chú ý, giá dầu hỏa tăng tới 36%, còn giá xăng cũng tăng 22,4%, giá điện tăng tới 13,4%. Giá năng lượng tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này tăng 0,5% trong tháng trước. Nhiều khả năng chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong tháng đầu tiên của năm 2022 nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng.
Trong nước, ngày 26.1, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu được niêm yết, xăng E5 RON92 có giá không cao hơn 23.595 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 24.360 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg. Mức giá này được điều chỉnh từ ngày 21.1 qua.
Nguồn tin: Thanh niên