Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới đã tăng trở lại khi giới đầu tư lo ngại việc Nga tạm dừng xuất khẩu nhiên liệu vô thời hạn sẽ khiến nguồn cung dầu diesel trên toàn cầu thiếu hụt nghiêm trọng.
Giá xăng dầu hôm nay ngày 25/9/2023 tại thị trường thế giới
Trong sáng nay, giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại khi thị trường lo ngại việc Nga tạm thời dừng xuất khẩu nhiên liệu sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là dầu diesel, trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể, vào lúc 7h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 93,75 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 90,48 USD/thùng.
Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent gần như đi ngang; trong khi đó, giá dầu thô WTI tăng 0,5%. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm 0,3% - xác lập tuần giảm giá đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tục.
Giới phân tích nhận định áp lực giảm đối với giá dầu thô vào cuối tuần trước chủ yếu đến từ việc thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô vào tháng 10 tới đây sẽ yếu hơn khi hàng loạt nhà máy lọc hóa dầu trên toàn cầu tiến hành bảo dưỡng theo mùa định kỳ.
Đồng thời, thị trường cũng lo ngại về việc các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục tăng lãi suất hoặc neo lãi suất ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn các dự báo trước đây sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu nhiên liệu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi các tín hiệu cho thấy sẵn sàng nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và sau khi lãi suất đạt đỉnh sẽ có ít lần hạ lãi suất hơn nhằm xử lý triệt để rủi ro lạm phát. Bà Michelle Bowman, thành viên Hội đồng Thống đốc của Fed, nhận định “lạm phát hiện vẫn ở mức quá cao” và việc giá năng lượng tăng cao là một trong những rủi ro gây áp lực lên lạm phát cần phải được theo dõi kỹ.
Ngoài ra, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm khi một bộ phận giới đầu tư tiến hành “chốt lời” sau khi giá dầu thô tăng hơn 10% chỉ trong vòng 3 tuần vừa qua.
Tuy nhiên, đến sáng nay, tâm lý lo ngại việc thiếu hụt nguồn cung khi Nga tạm thời dừng xuất khẩu nhiên liệu đã thúc đẩy giá xăng dầu tăng trở lại. Nga hiện cũng chưa cho biết rõ thời hạn của lệnh cấm xuất khẩu này.
Nga hiện là quốc gia xuất khẩu dầu diesel lớn nhất thế giới, chiếm hơn 13% tổng nguồn cung diesel toàn cầu kể từ đầu năm đến nay. Do đó, động thái trên của Nga sẽ khiến thị trường toàn cầu, đặc biệt là EU đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn cung diesel nghiêm trọng, đặc biệt là khi mùa Đông đang đến gần. Mặc dù EU đã cấm nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu tinh chế từ dầu thô có nguồn gốc từ Nga kể từ tháng 2/2023, tuy nhiên giới phân tích chỉ ra rằng Nga đã tăng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế lên 50% trong quý 1/2023 sang châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, và Brazil - sau đó các lô hàng này lại được tái xuất sang EU.
Giá xăng dầu cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ trong tuần trước đã giảm 8 giàn xuống còn 507 giàn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Đây là chỉ báo sớm cho thấy nguồn cung dầu thô tại Mỹ sẽ suy yếu trong thời gian tới.
Giá xăng dầu hôm nay ngày 25/9/2023 tại thị trường trong nước
Vào ngày 21/9, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với dầu mazut; chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa.
Như vậy, giá xăng tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ ngày 21/9/2023 như sau:
- Giá xăng E5RON92 tăng 726 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 24.197 đồng/lít;
- Giá xăng RON95-III tăng 877 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 25.748 đồng/lít;
- Giá dầu diesel 0.05S tăng 539 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 23.594 đồng/lít;
- Giá dầu hỏa tăng 628 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 23.816 đồng/lít;
- Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 143 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 17.847 đồng/kg.
Nguồn tin: Tạp chí công thương