Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lo ngại nguồn cung dầu dư thừa lại nóng lên khiến giá xăng dầu hôm nay sụt giảm mạnh.
Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 25/6, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2020 đứng ở mức 37,92 USD/thùng, giảm 0,09 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 24/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2020 đã giảm 2,45 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2020 đứng ở mức 40,12 USD/thùng, giảm 0,19 USD/thùng trong phiên nhưng giảm tới 2,56 USD/thùng so với cùng thời điểm phiên giao dịch ngày 24/6.
Giá dầu ngày 25/6 sụt giảm mạnh trong bối cảnh những lo ngại về tình trạng dư cung lại “nóng” lên sau thông tín dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.
Số liệu vừa được Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng tăng 1,75 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/6. Trước đó, cũng theo API, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/6 tăng 3,9 triệu thùng.
Ở diễn biến khác, diễn biến dịch bệnh Covid-19 gia tăng tại nhiều quốc gia cũng tác động tiêu cực đến các kỳ vọng phục hồi kinh tế, qua đó làm giảm kỳ vọng phục hồi nhu cầu dầu trên thị trường.
Tính đến đầu giờ sáng 25/6, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.504.208 ca nhiễm và 483.681 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 169.476 và 4.934 trong 24 giờ qua. 5.161.054 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.459.156 ca nhiễm và 124.200 ca tử vong, tăng lần lượt 34.988 và 727 ca trong 24 giờ. Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số ca mới trong một ngày cao chưa từng thấy như Arizona, California, Mississippi, Nevada và Texas.
WHO dự tính ca nhiễm toan cầu sẽ vượt 10 triệu vào tuần tới và cảnh báo rằng dịch vẫn chưa đạt đỉnh ở châu Mỹ.
Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dự báo sẽ hạn chế hoạt động mua dầu thô trong quý III/2020, sau khi mua vào một lượng dầu kỷ lục trong thời gian qua.
Thực tế, tiêu thụ dầu toàn cầu có dấu hiệu phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh còn gọi là OPEC+ nghiêm túc tuân thủ việc giảm sản lượng, trong khi các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đóng cửa các giếng khoan.
Rủi ro lớn nhất hiện nay chính là tình trạng lây lan của dịch Covid-19. Đại dịch bùng phát trở lại có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, từ đó tình trạng thừa nguồn cung trên thị trường có thể sẽ tái diễn.
Nguồn tin: petrotimes.vn