Hiệu ứng kép từ việc nhu cầu tiêu thụ giảm và áp lực thiếu hụt nguồn cung được cải thiện đã đẩy giá xăng dầu hôm nay lao dốc mạnh, trong đó dầu Brent đã trượt về mức 103,9 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 25/4/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 99,41 USD/thùng, giảm 2,66 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 103,90 USD/thùng, giảm 2,75 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 25/4 sụt mạnh trong bối cảnh thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía cung.
Cụ thể, trong thông báo được phát đi ngày 24/4, Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga đề xuất. Theo đó, các doanh nghiệp này có thể thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng Rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
Trước đó, Nga đã ban hành một quy định trong đó đề xuất các đối tác mua năng lượng của nước này mở tài khoản tại Gazprombank, nơi các thanh toán được thực hiện bằng Euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi thành đồng Rúp.
Thông tin trên được kỳ vọng sẽ khơi thông phần nào dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu, qua đó giảm tải áp lực nhu cầu dầu thô trên thị trường.
Ở diễn biến khác, theo dữ liệu của TankerTrackers, xuất khẩu dầu từ các cảng của Nga đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), vốn là những nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã tăng lên mức trung bình 1,6 triệu thùng/ngày hiện nay vào tháng 4, sau khi từng giảm xuống 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Trong khi đó dữ liệu từ Kpler, một nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa khác, cũng cho thấy dòng chảy đã tăng lên 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4 so với con số 1 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 3.
Về phía cầu, những dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, điều này đồng nghĩa với việc triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô đang yếu đi.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày một lớn do giá năng lượng tăng cao, nhiều chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn, dịch bệnh tại bùng phát tại nhiều khu vực, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đưa cảnh báo về tình trạng “đặc biệt bất ổn” của kinh tế toàn cầu khi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tư mức 4,1% đưa ra hồi tháng 1 xuống còn 3,2% trong năm 2022.
IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong năm 2022 và 2022 vì tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Dẫn một báo cáo vừa công bố, Bloomberg cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc trong thán 4/2022 đã giảm tới 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi đó nhu cầu đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ 2021. Thậm chí, dẫn một nguồn tin từ giới chức Trung Quốc, Bloomberg cho biết nhu cầu xăng dầu ở miền Đông Trung Quốc đã giảm tới 40% trong tháng 4/2022.
Đồng USD mạnh hơn, treo ở mức cao nhất 1 năm, nhờ kỳ vọng Fed tăng mạnh lãi suất cũng là nhân tố khiến giá dầu hôm nay đi xuống.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 27.134 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 27.992 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.359 đồng/lít (tăng 979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); giá dầu hỏa không cao hơn 23.828 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 21.800 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes